Lãnh đạo Bộ Công an gửi khuyến cáo quan trọng tới người dân
Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an mới đây đã có những chia sẻ quan trọng liên quan đến công tác truyền thông số.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an mới đây đã có những chia sẻ quan trọng liên quan đến công tác truyền thông số, nhằm đưa các công cụ thông tin chính thống trở nên gần gũi hơn với người dân. Trong buổi trao đổi với phóng viên báo chí, Thiếu tướng Toản cho biết, Văn phòng Bộ Công an đã chủ động đổi mới tư duy và triển khai một cách bài bản, đồng bộ các hoạt động tổ chức thông tin, tuyên truyền trên môi trường mạng.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo đã được sử dụng để cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin liên quan đến tài khoản chính thức, chính sách cũng như hoạt động chỉ đạo, điều hành của ngành. Qua đó, một mạng lưới truyền thông rộng khắp đã được hình thành, tạo sự kết nối gần gũi hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ. Bộ Công an không chỉ bảo vệ an ninh trật tự theo phương pháp truyền thống, mà còn chủ động "hiện diện" trên không gian số để đấu tranh, phản bác hiệu quả trước các thông tin giả mạo, sai sự thật, độc hại, xuyên tạc và thù địch.
Trong bối cảnh thông tin giả và nội dung độc hại đang lan truyền mạnh mẽ trên không gian mạng, nhu cầu về những kênh thông tin đáng tin cậy, có định hướng và được xác thực từ cơ quan chức năng có thẩm quyền là hết sức cần thiết, đồng thời là điều mà xã hội hiện nay đang rất mong đợi. Với phương châm "Ở đâu có nhân dân, ở đó có CAND", Bộ Công an đã chủ động nắm bắt và làm chủ mặt trận thông tin, tập trung tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên môi trường mạng. Đồng thời, Bộ cũng không ngừng đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến, nhằm phục vụ người dân một cách nhanh chóng và kịp thời hơn.

Trước thực tế thông tin trên không gian mạng ngày càng đa dạng và phức tạp, việc nhận diện và sử dụng hiệu quả các nguồn tin trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự. Vì vậy, đại diện Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Quốc Toản phát báo người dân:
(1) Kiểm tra kỹ nguồn thông tin; ưu tiên tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng, báo chí chính thống, đáng tin cậy như Trang Thông tin Chính phủ, Báo Nhân dân, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, các kênh thông tin của cơ quan nhà nước được xác nhận chủ quyền trên mạng xã hội; người dân hết sức thận trọng khi sử dụng thông tin, chia sẻ thông tin lan truyền qua tài khoản cá nhân không rõ danh tính, nhóm kín hoặc các trang mạo danh.
(2) Xác minh trước khi chia sẻ; không lan truyền thông tin nhạy cảm thiếu kiểm chứng, trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào, người dân cần kiểm tra xem nội dung đó có chính xác không; so sánh với các nguồn tin khác hoặc tìm kiếm thêm thông tin liên quan để tránh lan truyền tin giả, tin sai sự thật. Việc chia sẻ thông tin sai lệch, xuyên tạc, chưa được xác thực có thể gây hậu quả nghiêm trọng và khiến người chia sẻ chịu trách nhiệm pháp lý.
(3) Nâng cao nhận thức cá nhân: Người dân cần tự trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng truyền thông số và tư duy phản biện, để không bị dẫn dắt bởi các thủ đoạn thông tin giả mạo. Việc nhận thức rõ vai trò của bản thân trên môi trường mạng cũng là cách thiết thực để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng trước các nguy cơ thông tin độc hại.
(4) Đối với thông tin về an ninh, trật tự, người dân chủ động theo dõi các kênh chính thống của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương. Điều này không chỉ giúp người dân nắm bắt chính xác, kịp thời các thông tin chính thống về tình hình an ninh, trật tự, pháp luật, cảnh báo tội phạm, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, phòng ngừa tội phạm và giữ gìn trật tự xã hội.
>> Bộ Công an cảnh báo, ‘bóc trần’ thủ đoạn thao túng tâm lý của bọn tội phạm