Xã hội

Lãnh đạo Bộ Công an: Không bắt buộc đổi căn cước, hộ chiếu sau khi sáp nhập xã, tỉnh

Hải Châu 07/04/2025 13:05

Bộ Công an lên tiếng việc người dân phải làm lại giấy tờ tùy thân sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an, việc đổi thẻ Căn cước trong trường hợp có sự thay đổi thông tin do điều chỉnh địa giới hành chính sẽ không mang tính bắt buộc. Người dân hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn việc đổi thẻ nếu thấy cần thiết.

Tại buổi họp báo quý I/2025 của Bộ Công an, khi được phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã và tỉnh, đại diện Bộ đã làm rõ liệu người dân có cần cập nhật thông tin trên căn cước công dân và hộ chiếu hay không.

Trả lời câu hỏi này, Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng C06, cho biết, theo quy định hiện hành, nếu thông tin trên thẻ Căn cước thay đổi do việc điều chỉnh đơn vị hành chính thì việc đổi thẻ là theo nhu cầu của người dân, không phải là yêu cầu bắt buộc.

Lãnh đạo Bộ Công an: Không bắt buộc đổi căn cước, hộ chiếu sau khi sáp nhập xã, tỉnh - ảnh 1
Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Bộ Công an

Dù vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong trường hợp muốn cập nhật thông tin mới, các cơ quan chức năng đang đề xuất triển khai phương án cấp đổi căn cước theo hình thức trực tuyến toàn trình. Theo đó, người dân có thể thực hiện thủ tục đổi thẻ qua Cổng dịch vụ công mà không cần đến trực tiếp trụ sở công an.

Trong quy trình mới này, cơ quan quản lý sẽ tận dụng dữ liệu sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay, mống mắt) đã thu thập trước đó để phục vụ việc cấp đổi, giúp tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà cho người dân.

Riêng đối với hộ chiếu, đại diện Cục C06 khẳng định, người dân không cần cập nhật thông tin liên quan đến đơn vị hành chính trong hộ chiếu đã cấp. Hộ chiếu hiện tại vẫn có hiệu lực sử dụng đến hết thời hạn ghi trên đó mà không cần điều chỉnh hay cấp lại.

Lãnh đạo Bộ Công an: Không bắt buộc đổi căn cước, hộ chiếu sau khi sáp nhập xã, tỉnh - ảnh 2
Hộ chiếu vẫn có hiệu lực sử dụng đến hết thời hạn ghi trên đó mà không cần điều chỉnh hay cấp lại. Ảnh: VOV

Ai cần phải đổi lại căn cước trong năm 2025?

Thẻ Căn cước là giấy tờ nhân thân vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Trong năm 2025, những người sinh năm 2000, 1985, 1965 cần chú ý đi làm lại thẻ Căn cước theo quy định.

Cụ thể, khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước 2023 quy định, công dân Việt Nam đã được cấp thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. thẻ Căn cước công dân/thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ thì có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ tiếp theo.

Mà trong năm 2025, những người sinh năm 2011, 2000, 1985, 1965 lần lượt sẽ bước sang tuổi 14, 25, 40 và 60. Theo đó, người sinh năm 2011 chưa có thẻ Căn cước thì nên đi làm thẻ Căn cước ngay khi đủ tuổi.

Lãnh đạo Bộ Công an: Không bắt buộc đổi căn cước, hộ chiếu sau khi sáp nhập xã, tỉnh - ảnh 3
Trong năm 2025, những người sinh năm 2000, 1985, 1965 cần chú ý đi làm lại thẻ Căn cước theo quy định. Ảnh minh họa

Còn những người sinh năm 2000, 1985, 1965 cần đi làm thẻ Căn cước mới trước khi thẻ cũ hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp sau thì không phải làm thẻ Căn cước:

Người sinh năm 2000 đã làm Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 23 - 25 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2040.

Nếu người sinh năm 1985 đã làm thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước trong khoảng thời gian đủ 38 đến lúc đủ 40 tuổi thì thẻ Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước sẽ có thời hạn đến ngày sinh nhật năm 2045.

Người sinh năm 1965 đã làm Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước lúc mình đủ 58 tuổi đến lúc đủ 60 tuổi thì Căn cước công dân đó sẽ được sử dụng đến cuối đời.

Ngoài ra, Điều 24 Luật Căn cước 2023 cũng quy định những trường hợp công dân cần phải đổi từ CCCD sang thẻ Căn cước gồm:

Có sự thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh trên giấy tờ;

Có sự thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

Có sai sót về thông tin in trên thẻ Căn cước;

Theo yêu cầu của người được cấp thẻ Căn cước khi thông tin trên thẻ Căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

Xác lập lại số định danh cá nhân;

Khi người được cấp thẻ Căn cước có yêu cầu;

Khi bị mất thẻ Căn cước hoặc thẻ Căn cước bị hư hỏng không sử dụng được;

Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

>> Sáp nhập tỉnh chưa bắt đầu, đất đã ‘sốt ảo’: Chuyên gia cảnh báo hiệu ứng FOMO lan rộng

Chưa giảm biên chế cấp xã ngay sau sáp nhập, Bộ Nội vụ nêu rõ lý do và thời điểm tinh giản

Sáp nhập Hà Nội - Hà Tây 17 năm trước: Không cục bộ, xóa tan mọi hoài nghi

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/lanh-dao-bo-cong-an-khong-bat-buoc-doi-can-cuoc-ho-chieu-sau-khi-sap-nhap-xa-tinh-139868.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lãnh đạo Bộ Công an: Không bắt buộc đổi căn cước, hộ chiếu sau khi sáp nhập xã, tỉnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH