Lắp camera hành trình cho xe máy
Quy định xe cơ giới, xe máy tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình), dù mới ở dạng đề xuất, đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Kèm theo camera hành trình còn cần thêm thiết bị thu nhập dữ liệu giám sát lái xe, dữ liệu hình ảnh đảm bảo, theo dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được xem xét ở Quốc hội.
Trên thực tế, camera hành trình trở nên hữu ích đối với ô tô kinh doanh vận tải, nhất là trong trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn. Điển hình trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng của nhà xe Thành Bưởi làm 5 người chết, trích xuất camera hành trình đã làm sáng tỏ nhiều điều.
Thực tế có hàng ngàn tỉ đồng đã được các tổ chức, người dân bỏ ra lắp đặt, sử dụng camera hành trình với ô tô kinh doanh vận tải có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo và ô tô cá nhân.
Cả nước hiện có gần một triệu xe kinh doanh vận tải đã gắn thiết bị giám sát hành trình. Với giá bình quân 3,5 triệu đồng/thiết bị, thì tổng chi phí bỏ ra để trang bị camera hành trình lên đến khoảng 3.500 tỉ đồng.
Kể từ năm thứ hai, mỗi năm sau đó một xe còn phải đóng phí sử dụng dịch vụ từ 1 đến 1,5 triệu đồng/thiết bị, tức là tốn kém thêm từ 1.000-1.500 tỉ đồng, chưa tính đến chi phí ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống quản lý từ phía Nhà nước.
Đáng tiếc là các dữ liệu từ hệ thống này trong nhiều năm qua lại chưa được sử dụng hiệu quả cho công tác quản lý, ngăn chặn vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Có nhà xe hoạt động kinh doanh chạy quá tốc độ hơn 6.000 lần/tháng lại không được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.
Tất nhiên, dù có tốn kém thì việc lắp camera hành trình ở ô tô đã đạt được đồng thuận.
Tuy nhiên, đề xuất xe máy phải gắn camera hành trình có thể sẽ kéo theo cả chuỗi vấn đề phức tạp về kỹ thuật, tài chính, xã hội…
Cả nước hiện có trên 73 triệu xe máy. Với giá một chiếc camera hành trình là 3,5 triệu đồng, thì ước tính cần đến 255.500 tỷ đồng để lắp đặt cho 73 triệu xe máy. Đây là số tiền quá lớn, chưa kể phí sử dụng hàng năm và lưu trữ dữ liệu.
Liệu có doanh nghiệp trong nước nào có khả năng sản xuất, lắp ráp để cung cấp 73 triệu camera hành trình cho thị trường trong nước? Hay chúng ta lại trả cả chục tỷ đô la để nhập về số thiết bị này? Đó là chưa kể về mặt kỹ thuật, lắp camera lên vị trí nào ở xe máy và loại camera nào nào chịu được mưa, nắng, va đập?
Đó là chưa kể còn nhiều vấn đề khác như kinh phí xây dựng đường truyền, trung tâm dữ liệu để quản lý dữ liệu của gần 80 triệu ô tô, xe máy, đội ngũ quản lý, vận hành, xử lý dữ liệu.
Một vấn đề xã hội cần đặc biệt quan tâm là xe máy còn là công cụ mưu sinh cho rất nhiều người như nông dân, lao động tự do, sinh viên,… mà đại đa số chắc không đủ điều kiện tài chính để lắp và vận hành camera hành trình. Trong nhiều trường hợp, giá camera hành trình còn cao hơn cả giá chiếc xe máy. Nhiều xe máy quá hạn sử dụng, trong tình trạng tồi tàn vì người dân quá nghèo để có thể đổi sang xe mới, làm sao thuyết phục được họ bỏ ra mấy triệu đồng để lắp camera?
Hình ảnh và các cuộc trò chuyện của người lái xe và người đi chung có thể xem như “bí mật” đời tư không được xâm phạm. Dữ liệu được lưu trữ dài hạn trên hệ thống máy chủ các nhà cung cấp dịch vụ camera hành trình là ảnh hưởng đến quyền riêng tư, những hình ảnh đó sẽ được bảo vệ ra sao?
Quy định xe máy phải lắp camera hành trình mới ở dạng đề xuất và còn được thảo luận nhiều hơn nữa. Hy vọng rằng, những góp ý trong bài viết này sẽ được ghi nhận để vừa góp phần phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước, vừa không tăng thêm chi phí tuân thủ cho người dân.
Trần Văn Tường
Tài xế có 5 ngày để khôi phục dữ liệu camera hành trình, nắm rõ để tránh bị phạt
Những phương tiện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình