Áp lực tài chính đè nặng lên Hoà Bình (HBC) khi phần lớn vay nợ là khoản vay ngắn hạn (BIDV, VietinBank, VPBank, MSB, MBB, NCB,...) trong đó, hơn 700 tỷ đồng trái phiếu đến hạn vào năm 2025 và 2026.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 6/5 vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC). Theo đó, vào ngày 28/4, Hoà Bình đã tiến hành mua lại 10 tỷ đồng trong số 94,6 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã HBCH2225002. Lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, được phát hành ngày 31/10/2022.
Trước đó, hồi tháng 1/2023, HBC cũng đã mua lại 250 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng của lô HBCH2225001 (phát hành ngày 27/1/2022 với thời hạn 3 năm).
Đáng chú ý, các động thái của ông lớn xây dựng này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. "Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, HBC đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế... Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được", Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải chia sẻ.
Tính đến ngày 31/3/2023, nợ phải trả của HBC ở mức 13.503 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính giảm đáng kể còn 5.527 tỷ đồng, tương ứng chiếm 35% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, áp lực vẫn đè nặng lên công ty khi vay nợ chủ yếu là khoản vay ngắn hạn. Các chủ nợ lớn nhất của Xây dựng Hoà Bình chính là BIDV, VietinBank, VPBank, MSB, MBB, NCB, ABBank... trong đó có hơn 700 tỷ đồng là vay trái phiếu đến hạn vào năm 2025 và 2026.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2023, Hòa Bình ghi nhận doanh thuần giảm 60% xuống còn 1.194 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ quý 2/2015. Kinh doanh dưới giá vốn khiến HBC lỗ sau thuế 444 tỷ đồng qua đó nâng mức lỗ luỹ kế lên 1.137 tỷ (trước đó công ty lỗ quý 4/2022 1.200 tỷ đồng).
Kết quả kém sắc này ghi nhận trong bối cảnh Hoà Bình vướng vào những lùm xùm về nhân sự cấp cao.