Loại bánh 'nhà nghèo' một thời nay thành đặc sản phố thị, nhiều người săn lùng nhờ hương vị xưa
Từng là món ăn dân dã, bánh sắn – đặc sản truyền thống của Phú Thọ – nay trở thành mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, nhiều người yêu thích.
Sắn – loại cây lương thực quen thuộc của người Việt – trước đây chủ yếu được trồng để lấy củ, chế biến thành các món ăn chống đói như sắn luộc, bánh sắn… Trong thời kỳ khó khăn, củ sắn là cứu cánh cho nhiều gia đình ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc.
![]() |
Bên cạnh những đặc sản được nhiều người biết đến như thịt chua, cọ ỏm,... ở Phú Thọ còn có một món ăn dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng. Đó chính là bánh sắn - Ảnh: Internet |
Chị Nguyệt Linh (Phú Thọ) chia sẻ: “Ngày trước, củ sắn ăn thay cơm, lá sắn dùng làm rau, đặc biệt là trong mùa giáp hạt. Nay, món bánh sắn đã trở thành thứ quà quê, ăn chơi là chính.”
Nếu trước đây bánh sắn chỉ đơn thuần làm từ bột sắn không nhân, thì hiện nay, sản phẩm này đã được biến tấu đa dạng với nhân ngọt từ đậu xanh và dừa hoặc nhân mặn từ thịt, mộc nhĩ.
Trên chợ mạng, bánh sắn được rao bán từ 50.000 - 70.000 đồng/10 chiếc, tùy loại.
![]() |
Bánh sắn nay được “nâng tầm” thành đặc sản nức tiếng - Ảnh: Internet |
![]() |
Bánh sắn là món ăn nổi danh của vùng đất Tổ - Phú Thọ |
Chị Vân – người chuyên bán bánh sắn online – cho biết: “Bánh sắn Phú Thọ có lớp vỏ dai mềm, thơm mùi sắn, nhân đậm đà dễ ăn. Mùi vị gợi nhớ tuổi thơ nên nhiều khách hàng rất thích.” Phần lớn đơn hàng của chị đều được đặt trước, đặc biệt trong những dịp lễ tết.
Bánh sắn sau khi làm xong có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh đến 5–6 tuần. Khi ăn chỉ cần hấp cách thủy khoảng 30 phút là dùng được, vẫn giữ nguyên độ thơm ngon.
Ngoài bánh thành phẩm, nhiều nơi còn cung cấp bột sắn làm bánh với giá 55.000–60.000 đồng/kg, kèm theo lá chuối để khách tự gói tại nhà, vừa tiện lợi vừa mang lại trải nghiệm truyền thống.