Loài cá kỳ lạ nằm ở độ sâu hơn 6.000m dưới đại dương, đặc biệt không có vảy, khi vớt lên mặt biển có thể tan chảy
Được biết, loài cá này được tìm thấy trong những rãnh nứt sâu nhất ở Thái Bình Dương.
Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu tìm hiểu rãnh nứt Atacama ở phía đông nam Thái Bình Dương đã phát hiện loài cá mới, thuộc họ cá nòng nọc (snailfish). Các nhà khoa học tạm đặt tên cho nó là cá sư tử Atacama.
Chúng được phát hiện sống ở độ sâu 6.500-7.500 mét dưới đáy biển. Các nhà nghiên cứu nói loài cá ‘ma’ sống ở đây có cấu tạo để chống chịu lại với điều kiện khắc nghiệt. Ngược lại, cơ thể chúng sẽ tan chảy một khi được đưa lên bờ. Nếu so với áp suất trên đất liền thì áp suất đáy biển nơi loài cá này sinh sống chênh nhau tới hơn 2.500 lần khiến chúng sẽ hóa lỏng tức thì khi ra khỏi mặt nước.
‘Cơ thể chúng biến đổi để thích nghi với điều kiện sống rất sâu dưới đáy biển’, chuyên gia Thomas Linley đến từ Đại học Newcastle nói. Ở độ sâu này, chúng không phải lo đến các đối thủ hay những kẻ săn mồi đáng gờm. Thậm chí chúng còn là sinh vật nằm trên cùng của chuỗi thức ăn, chuyên đi săn các loài sinh vật khác. Thức ăn chính của loài cá mới được phát hiện này là động vật không xương sống dưới đáy biển, có vẻ như chúng sống rất vui vẻ ở đó và cực kỳ hiếu động.
Một điều khác biệt so với những loại cá khác đó là chúng không có vảy, cơ thể trong suốt, trông mờ ảo dưới mặt nước và dài khoảng 30cm, bên ngoài thân nhầy nhụa. Phần cứng nhất là răng và xương tai trong, có nhiệm vụ giữ thăng bằng, giúp chúng tồn tại dưới đáy đại dương, nơi có áp suất cực lớn nhưng nhiệt độ lại cực thấp. Vì vậy, các nhà khoa học đã phải sử dụng các phương pháp đặc biệt để có thể giữ loài cá này sống sót khi mang chúng lên bờ nghiên cứu.
Bên cạnh loài cá ‘ma’ mới, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một loài bọ chân đều (isopod) gọi là Munnopsid. Loài sinh vật này có thể đi bộ dưới đáy biển, giống như nhện.