Máy bay ném bom B-25 đâm thủng tòa nhà chọc trời 'kích' nhiên liệu phát nổ, mảnh vỡ động cơ văng xa, 'đục' lỗ hổng dài hơn 6m khiến hàng chục người ra đi mãi mãi
Khi va chạm xảy ra, nhiên liệu của máy bay phát nổ khiến bên trong tòa nhà bốc cháy dữ dội, ngọn lửa lan rộng xuống tới tầng 75.
Vào ngày 27/8/1945, một chiếc máy bay ném bom B-25 của không quân Mỹ đã gặp nạn khi đâm vào tòa nhà Empire State ở thành phố New York do mất phương hướng vì sương mù dày đặc.
Lỗ hổng lớn (được khoanh tròn) ở tầng 78 và 79 của tòa nhà Empire State (New York) do bị máy bay ném bom B-25 của quân đội đâm trúng Ảnh: Daily News
Phi công William Smith, một người dày dặn kinh nghiệm và từng tham gia nhiều nhiệm vụ nguy hiểm trong Thế chiến II, đã gặp điều kiện thời tiết xấu khi đến New York. Với tầm nhìn bị giảm đáng kể bởi sương mù, ông đã liên lạc với sân bay LaGuardia để xin phép hạ cánh, nhưng yêu cầu này không được chấp thuận.
Theo cuốn sách "Bầu trời sụp đổ" của nhà văn Arthur Weingarten, William đã cố gắng bay qua Midtown Manhattan nhưng không theo đúng quy trình. Thay vì rẽ trái sau toà nhà Chrysler, ông lại rẽ phải và lao thẳng vào Empire State, tòa nhà cao nhất thế giới lúc bấy giờ.
Lính cứu hỏa tìm kiếm trong đống đổ nát cháy đen gần một lỗ hổng lớn trên tầng 79 của tòa nhà. Ảnh: Daily News
Vụ va chạm xảy ra ở giữa tầng 78 và 80 của tòa nhà, khiến William, 2 thành viên phi hành đoàn và 11 người đang làm việc bên trong tòa nhà thiệt mạng. Thi thể của William mãi đến hai ngày sau mới được tìm thấy dưới trục thang máy.
Khi va chạm xảy ra, nhiên liệu của máy bay phát nổ khiến bên trong tòa nhà bốc cháy dữ dội, ngọn lửa lan rộng xuống tới tầng 75. Lửa còn bùng ra ngoài qua lỗ hổng lớn mà máy bay tạo ra trên tòa nhà. Một trong hai động cơ của máy bay văng xuyên qua tòa nhà và rơi xuống một căn hộ áp mái ở bên kia đường, trong khi các mảnh vỡ khác găm vào thân hoặc trên đỉnh các tòa nhà lân cận. Động cơ còn lại làm đứt cáp của thang máy, gây thêm thiệt hại nghiêm trọng.
Phần chính của xác máy bay rơi xuống đường, xăng rò rỉ khiến các tầng trên của tòa nhà bốc cháy. Ảnh: Daily News
Tất cả 11 nạn nhân làm việc trong tòa nhà đều là nhân viên của bộ phận Dịch vụ Cứu trợ Chiến tranh, thuộc Hội Phúc lợi Công giáo Quốc gia Mỹ. Văn phòng của họ nằm ngay tại khu vực nơi chiếc máy bay đâm vào.
Trong số những người bị thương có Betty Lou Oliver, người đã sống sót một cách kỳ diệu khi thang máy rơi xuống từ độ cao 75 tầng do cáp bị đứt. Sự cố này đến nay vẫn được ghi nhận là Kỷ lục Thế giới Guinness về người sống sót trong tai nạn rơi thang máy cao nhất thế giới.
Động cơ và một phần cánh của máy bay ném bom B-25 nhô ra khỏi tòa nhà Empire State. Ảnh: Daily News
Vụ tai nạn gây thiệt hại hơn 1 triệu USD (tương đương 13 triệu USD ngày nay), bao gồm cả việc phá hủy một studio nghệ thuật penthouse gần đó. Một lỗ hổng khổng lồ rộng 5,5m và dài 6,1m đã xuất hiện trên mặt của tòa nhà Empire State. Tuy nhiên, thiệt hại có thể đã nghiêm trọng hơn nếu không có sự phản ứng nhanh chóng của lực lượng cứu hỏa khi đã dập tắt đám cháy chỉ trong 40 phút. Mặc dù vụ việc gây chấn động lớn khắp nước Mỹ, nhưng chỉ một tuần sau đó, dư luận đã nhanh chóng chuyển sự chú ý sang vụ ném bom Hiroshima.
Người dân trên phố đang xem xét đống đổ nát từ chiếc máy bay. Ảnh: Daily News
Vụ tai nạn xảy ra vào thứ Bảy, nhưng chỉ hai ngày sau, vào thứ hai, tòa nhà Empire State đã mở cửa trở lại như bình thường. Mặc dù sự cố gây thiệt hại đáng kể, cấu trúc của tòa nhà vẫn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tám tháng sau, chính phủ Mỹ đã bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Một số gia đình chấp nhận khoản bồi thường, trong khi một số khác đã khởi kiện, dẫn đến việc ban hành Đạo luật Bồi thường Liên bang Tort vào năm 1946.