Mô hình tiêu dùng bán lẻ của Masan có gì đặc biệt để thu hút Bain Capital và một loạt quỹ ngoại?
Một loạt thương vụ lớn cho thấy Masan được nhìn nhận là đã và đang sở hữu mô hình kinh doanh tối ưu để nắm bắt những cơ hội khi thị trường tiêu dùng hồi phục và bùng nổ trong thời gian tới.
Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên hồi tháng 4 vừa qua, các lãnh đạo của tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) đã đưa ra 1 lời hứa trước các nhà đầu tư: Masan cam kết sẽ tích cực tìm kiếm các biện pháp để gia tăng thanh khoản, giảm đòn bẩy tài chính.
6 tháng sau, lời hứa đó đã được thực hiện. Ngày 2/10, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thông báo tin vui: quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Bain Capital sẽ rót ít nhất 200 triệu USD vào Masan. Khoản đầu tư này dưới hình thức mua cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (“Convertible Dividend Preference Share” hoặc “CDPS”) với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Với trợ lực từ thương vụ này, Masan sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược vốn cổ phần khác, bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA bền vững dưới 3,5 lần một cách ổn định.
Khẳng định uy tín trên thị trường vốn quốc tế
Đây là lần đầu tiên quỹ đầu tư có quy mô 180 tỷ USD bước chân vào thị trường Việt Nam và Masan đã được “chọn mặt gửi vàng”. Thương vụ này, đối với Masan, có thể coi là một bước tiến lớn trong công tác ghi danh trên thị trường vốn quốc tế. Trong bối cảnh thị trường vốn khó khăn, trong 12 tháng qua, tập đoàn vẫn huy động được tổng cộng 1,25 tỷ USD các khoản vay hợp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Ngược dòng thời gian, 2 quỹ đầu tư quốc tế lớn khác là KKR và TPG cũng đã chọn Masan là nơi để thực hiện khoản đầu tư chiến lược và đầu tiên của họ vào Việt Nam. Khoản đầu tư đầu tiên của KKR vào Việt Nam là vào tháng 4/2011 khi chi 159 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần Masan Consumer. Sau đó, đến năm 2013 KKR tiếp tục rót thêm 200 triệu USD. Khi thoái vốn vào năm 2015, KKR thu lời gấp đôi số tiền đã bỏ ra. Năm 2017, quỹ tiếp tục đầu tư 250 triệu USD và cũng thu lãi gấp đôi chỉ sau hơn 1 năm.
Cuối năm 2021, công ty con của Masan là CrownX gọi vốn thành công khoản đầu tư 350 triệu USD từ TPG, Platinum Orchid (thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi) và SeaTown Master Fund (công ty con của Temasek Holdings). Giao dịch khép lại vòng huy động vốn cuối cùng vào hệ sinh thái TCX, đưa mức định giá lên 8,2 tỷ USD. Đồng thời sau gần 2 năm kể từ khi thành lập, TCX đã thu hút được hơn 1,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
Đối với nhóm đầu tư do Bain Capital dẫn đầu, con số có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở mức 200 triệu USD. Theo Masan chia sẻ, tập đoàn đang đàm phán với các nhà đầu tư khác và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường, Masan có thể tăng mức huy động lên đến 500 triệu USD.
Mô hình kinh doanh tối ưu đón gió “thời điểm vàng”
Sự quan tâm nói trên là minh chứng cho thấy các quỹ đã nhìn thấy chuỗi tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam thực sự là 1 điểm sáng trong khu vực. Thị trường tiêu dùng đang có rất nhiều tiềm năng để bùng nổ. Mới đây, JPMorgan Chase nhận định với lực lượng lao động đang di chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới.
Thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam có độ thâm nhập còn thấp, ở mức 12% so với tỷ lệ 20 - 45% ở các nước thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại, tạo cơ hội rất lớn cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng.
Và đặc biệt hơn nữa, họ nhìn nhận Masan đã và đang sở hữu mô hình kinh doanh ưu việt nhất để nắm bắt “thời điểm vàng” này.
Thị phần của các hãng bán lẻ chủ chốt trên thị trường bán lẻ hiện đại. Nguồn: Euromonitor. |
Năm 2022 là 1 bước ngoặt lớn khi tập đoàn đã thay đổi tư duy cả về những gì đang làm và cách định vị chính mình. Masan đã phát triển được mô hình bán lẻ hiện đại mang tính đột phá khi hợp nhất mạng lưới và người tiêu dùng offline, số hóa và “trực tuyến hóa” người tiêu dùng tại các điểm chạm offline. Từ đó giúp mở rộng danh mục sản phẩm và dịch vụ để phục vụ người tiêu dùng.
Hỗ trợ mạng lưới là dịch vụ hậu cần xuyên suốt trên toàn quốc, để giao hàng hóa cho người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi một cách kịp thời, tiết kiệm chi phí nhất. Trí tuệ nhân tạo (AI) và những công nghệ như kiosk Phúc Long, Reddi, kiosk dược phẩm, tiện ích tài chính của Techcombank được tích hợp vào các cửa hàng giúp mở ra và khai thác những cơ hội mới. Và không thể không kể đến chương trình hội viên Win cán mốc 7 triệu người vào tháng 9 vừa qua.
Bên cạnh đó, báo cáo của JPMorgan Chase chỉ ra rằng sự kết hợp giữa sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu (Masan Consumer là công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam) với kênh phân phối hiện đại của WinCommerce sẽ đem lại hiệu quả rất đáng kể.
Masan đã nổi lên như một trong những công ty hàng đầu lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, chiếm 24% thị phần bán lẻ hiện đại (theo số liệu của Euromonitor). Kể từ khi tiếp quản hoạt động kinh doanh bán lẻ từ Vingroup, Masan đã đẩy thị phần tăng vọt, vượt qua Co-op để chiếm vị trí dẫn đầu.
“Chúng tôi tin rằng Masan có những nền tảng vững chắc, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng phù hợp để thành công trong một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và tăng trưởng cao”, Ông Barnaby Lyons, một lãnh đạo của Bain Capital nhận định.
Masan hoàn tất thành công huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital
Giao dịch trị giá 250 triệu USD giữa Masan và Bain Capital sẽ hoàn tất vào ngày 22/4/2024