Mới nhất về dự án siêu cảng Cần Giờ 5,5 tỷ USD: Chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược
TP. HCM hiện vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo Nghị quyết 98.
Trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM diễn ra vào hôm 7/11, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng Phòng Tổng hợp Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp thông tin chi tiết về việc triển khai các dự án theo Nghị quyết 98 cùng các vướng mắc phát sinh chưa được giải quyết.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 98 ra đời trong bối cảnh TP. HCM đang có những thay đổi lớn với các chính sách và cơ chế đột phá giúp TP tháo gỡ khó khăn, tăng cường kết nối với các địa phương và khu vực lân cận.
Theo ông, Nghị quyết 98 đã đưa ra 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 29 cơ chế đã được TP áp dụng. Cụ thể, 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả tích cực, trong khi 9 cơ chế khác vẫn đang trong quá trình triển khai.
Phối cảnh Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh minh họa |
Trong quá trình thực hiện, TP đã ghi nhận những thành quả quan trọng, bao gồm việc đề xuất các vị trí cho dự án TOD, thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực y tế và giáo dục, triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu và đặc biệt là dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài. Ngoài ra, TP cũng thực hiện nhiều cơ chế nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư, từ đầu tư công đến đầu tư PPP và tư nhân.
Tuy nhiên, sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, TP. HCM đã gặp phải một số khó khăn thực tiễn.
Ông Tuấn Anh nêu ví dụ: Nghị quyết 98 quy định trường hợp được xác định là nhà đầu tư chiến lược thì nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo quy trình đơn giản hơn hoặc được hưởng một số ưu đãi tốt hơn với nền chung quy định pháp luật cả nước.
>> Đề nghị làm rõ phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tuy nhiên, để được xác định là nhà đầu tư chiến lược thì nhà đầu tư phải có cam kết giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm kể từ thời điểm cấp giấy chứng đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Ví dụ điển hình là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vốn đầu tư lớn (dự tính 5,5 tỷ USD) và đặc thù ngành cảng biển. Ngoài việc xây dựng, dự án cần thời gian để điều chuyển nguồn hàng theo công suất thiết kế.
Khi thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về khó khăn trong việc giải ngân toàn bộ vốn trong 5 năm, do đó đã kiến nghị điều chỉnh quy định này để tăng tính khả thi cho dự án.
UBND TP. HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định này trong kỳ họp tới, nhằm đảm bảo khả năng thúc đẩy và triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh minh họa |
Ông Phạm Tuấn Anh cũng chia sẻ rằng, TP. HCM đang đẩy mạnh triển khai các dự án liên vùng nhằm kết nối tốt hơn với các địa phương lân cận.
Nghị quyết 98 cho phép TP sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các tỉnh bạn thực hiện dự án liên vùng, nhằm đảm bảo hiệu quả và đạt được các mục tiêu ban đầu. Luật Đầu tư công hiện cũng đang được sửa đổi để cập nhật quy định này.
Tuy nhiên, về thủ tục hồ sơ, chưa có hướng dẫn cụ thể và quy định rõ ràng cho việc triển khai thực tế, gây ra sự lúng túng cho TP và các địa phương. UBND TP đã kiến nghị Quốc hội bổ sung hoặc điều chỉnh Luật Đầu tư công để làm rõ các quy định liên quan trong Nghị quyết 98.
Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng đề cập đến khó khăn trong thủ tục triển khai các dự án PPP tại TP. Thủ Đức.
Dù Nghị quyết 98 cho phép triển khai các dự án PPP tại đây nhưng quy trình chi tiết vẫn chưa được quy định rõ.
Do đó, UBND TP. HCM đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ bổ sung và làm rõ hơn các quy trình này để các dự án PPP tại TP. Thủ Đức được thực hiện thuận lợi hơn.