Dự án nhà máy chế biến gỗ tại thị xã của Thanh Hóa này có diện tích gần 1,5ha, tổng vốn đầu tư 105 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1547/QĐ-UBND quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư nhà máy chế biến gỗ và sắn lát Nghi Sơn tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn.
Theo quyết định, nhà máy chế biến gỗ và sắn lát Nghi Sơn được thực hiện trên khoảng 1,48ha diện tích đất tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, với vốn đầu tư 105 tỷ đồng. Nhà máy này chế biến cắt lát sắn củ, sản xuất gỗ pallet, gỗ xẻ thanh, nan, gỗ ghép thanh. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án, theo quyết định là 20 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời hạn 12 tháng, nếu Công ty TNHH Cường Tâm JSC Nghi Sơn là chủ đầu tư của dự án không hoàn thành hồ sơ giao đất, cho thuê đất của dự án Nhà máy chế biến gỗ và sắn lát Nghi Sơn theo quy định, thì quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư này không còn giá trị pháp lý, Công ty TNHH Cường Tâm JSC Nghi Sơn không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ các khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.
Công ty TNHH Cường Tâm JSC Nghi Sơn có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất , trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thỏa thuận theo quy định; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; triển khai thực hiện dự án theo đúng với các nội dung được chấp thuận theo quyết định này và các quy định có liên quan khác của pháp luật.
>> Tỉnh đông dân thứ 3 cả nước sắp có khu dân cư quy mô 800 tỷ đồng
Công ty này chỉ được triển khai thi công xây dựng dự án sau khi hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục. Hằng quý, hằng năm, công ty sẽ báo cáo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp và cơ quan thống kê trên địa bàn tỉnh về tình hình thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 Luật Đầu tư năm 2020.
Công ty TNHH Cường Tâm JSC Nghi Sơn có trách nhiệm đầu tư công nghệ mới 100%; hiện đại, tiền tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với mỗi trường; phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu bụi, giảm thải tiếng ồn đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phương án phát triển đô thị, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 47 đô thị. Trong đó, 1 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa); 2 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn; thành phố Nghi Sơn); 4 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.
Đối với riêng thị xã Nghi Sơn, phấn đấu đến năm 2030, Nghi Sơn trở thành thành phố công nghiệp, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, thị xã phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 19%; tỷ lệ tăng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt 12% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 242.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của thị xã đạt 3 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa 82%.
>> Trà Vinh muốn xây cầu hơn 3.500 tỷ, kết nối với tỉnh sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM