Một số đơn vị thuộc Bộ GTVT còn gây phiền hà khi giải quyết thủ tục hành chính
Từ năm 2021 - 2023, Bộ GTVT cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, song bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó một số đơn vị trực thuộc gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều tồn tại, thiếu sót
Ngày 18/10, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT).
Kết luận nêu, giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Bộ GTVT cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC cung cấp DVC cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ GTVT còn có một số tồn tại, hạn chế…
Cụ thể, về công tác quản lý nhà nước, Bộ GTVT không thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động đối với TTHC tại 3/46 dự thảo VBQPPL; không tổng hợp đánh giá kết quả rà soát TTHC định kỳ hàng năm; không ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC, dẫn đến chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá TTHC.
Bộ này cũng chậm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo yêu cầu; chưa thực thi đầy đủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đối với 3/237 TTHC là thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Thông tư chưa thống nhất, đồng bộ giữa các điều, khoản, dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Riêng Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT do Bộ ban hành ngày 27/01/2021 làm phát sinh thêm yêu cầu đối với TTHC mà pháp luật không quy định, vi phạm về những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Luật Ban hành VBQPPL.
Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành Thông tư trong đó quy định mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe có chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở" là không cần thiết dẫn đến gây bức xúc và tăng chi phí cho người dân khi thực hiện TTHC cấp mới/cấp đổi giấy phép lái xe.
Bên cạnh đó, Bộ thực hiện việc số hóa chưa đạt chỉ tiêu các năm 2021, năm 2022. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến TTHC chưa thể đồng bộ trên môi trường điện tử, chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Buổi công bố Kết luận thanh tra tại trụ sở TTCP. |
Người dân, doanh nghiệp còn gặp phiền hà, bất tiện
Một số đơn vị trực thuộc Bộ như Cục Đường thủy nội địa Việt Nam không ban hành hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong Hệ thống quản lý chất lượng đối với TTHC gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa; trong khi Cục Đường bộ Việt Nam ban hành quy trình nội bộ giải quyết cấp phép liên vận song phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng có thành phần hồ sơ ngoài quy định, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp.
Về việc giải quyết thủ tục hành chính, TTCP kết luận Bộ GTVT tổ chức giải quyết TTHC liên thông, trong đó tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa của các đơn vị trực thuộc nhưng trả kết quả tại Bộ phận một cửa của Bộ… Việc này dẫn đến các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện được đầy đủ trách nhiệm, gây khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.
Các đơn vị (như Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam) tiến hành quy trình xem xét hồ sơ trước khi làm thủ tục tiếp nhận, không cập nhật đăng tải thông tin tiếp nhận lên hệ thống thông tin một cửa điện tử, là không đúng quy trình giải quyết TTHC; nhiều hồ sơ giải quyết quá hạn nhiều ngày là nguyên nhân góp phần không kiểm soát được tiến độ giải quyết, làm quá hạn giải quyết TTHC, mất thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, một số đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam còn từ chối giải quyết TTHC đặt tên tàu biển của tổ chức, cá nhân với lý do không rõ ràng hoặc không nêu lý do; thực hiện không đúng hướng dẫn, thông báo cho cá nhân, tổ chức mà từ chối ngay đơn đề nghị đặt tên tàu biển của người dân, doanh nghiệp.
Về tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, TTCP kết luận, Bộ GTVT không cập nhật định kỳ tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị, chậm cập nhật kết quả trả lời để thông tin cho tổ chức, cá nhân; một số trường hợp trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp quá hạn là thực hiện không đúng quy định tại Điều 14 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2018.
Trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ GTVT chưa liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu, chưa đơn giản hóa TTHC theo yêu cầu của Chính phủ.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn từ 15/6/2021-30/11/2023, Bộ chưa tổ chức đoàn thanh tra riêng về trách nhiệm thực hiện công vụ trong công tác giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
"Chịu trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nêu trên thuộc về Bộ GTVT, các đơn vị trực thuộc trong việc chỉ đạo, điều hành; cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ GTVT chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thực hiện giải quyết TTHC sai quy định" TTCP chỉ rõ.
Tương tự, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, TTCP cũng kết luận các đơn vị thuộc Bộ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp bị quá hạn cao, chiếm tỷ lệ 72%. Do vậy, chưa kịp thời nắm bắt được những bất cập về cơ chế, chính sách, trách nhiệm, thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công.
Trước những tồn tại, thiếu sót đã nêu, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản có liên quan đến quy định về TTHC để đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan; nhanh chóng khắc phục tránh nhũng nhiễu, phiền hà cho dân.
Thủ tục hành chính vẫn làm khó doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Sửa đổi Luật Đầu tư công: Giảm thủ tục hành chính, loại cơ chế 'xin - cho'