Một thỏa thuận mong manh, một Tổng thống khó đoán: 'Bóng ma' chiến tranh thương mại vẫn chưa rời khỏi Nhà Trắng
Rào cản giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức quá cao. Tình trạng bất định cũng chưa hề thuyên giảm.
Trong nhiều tuần qua, cuộc chiến thương mại nóng bỏng giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nền kinh tế toàn cầu đứng bên bờ vực. Tuy nhiên, một cú lao dốc toàn diện đã được tạm hoãn khi vào ngày 11/5, hai nước đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày để tiếp tục đàm phán. Thị trường phản ứng tích cực, các nhà đầu tư vui mừng. Những người cho rằng các mức thuế mà ông Trump áp đặt chỉ là bước đệm cho những thỏa thuận thì vô cùng phấn khích, trong khi các cố vấn ôn hòa hơn của ông dường như đã lấn át tiếng nói từ những người cực đoan.
Tuy vậy, không nên nhầm lẫn việc đảo ngược chính sách sẽ mang tính bền vững. Chính sách thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ đây bị siết chặt hơn và khó đoán hơn so với thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức. Thế giới đã tránh được một cuộc sụp đổ, nhưng vẫn sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Mỹ đang theo đuổi.

Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia khác, vẫn phải chịu biểu thuế chung 10%. Ngoài ra, nước này còn phải gánh thêm mức thuế 20% mà ông Trump tuyên bố áp dụng để trừng phạt Trung Quốc vì sản xuất fentanyl. Trước đây, các mặt hàng giá trị thấp được gửi trực tiếp từ Trung Quốc tới người tiêu dùng Mỹ không bị đánh thuế, nhưng hiện nay chúng phải chịu mức thuế 54% hoặc phí cố định 100 USD. Bên cạnh đó, còn có các loại thuế đối với thép, nhôm, ô tô và linh kiện; sắp tới có thể áp thêm với dược phẩm, khoáng sản chiến lược và chất bán dẫn. Hơn nữa, Mỹ cũng đang nỗ lực thuyết phục các nước khác giảm giao thương với Trung Quốc.
Tình hình hiện tại khó có thể gọi là trở lại trạng thái bình thường. Sau khi điều chỉnh theo các thay đổi hành vi tiêu dùng, mức thuế trung bình của Mỹ ước tính sẽ ở mức 15–20%, cao gấp 5 lần so với đầu năm và là mức cao nhất kể từ thập niên 1930.
Theo một nguyên tắc kinh tế phổ biến, mức thuế tổng cộng 30% đối với hàng hóa Trung Quốc đủ để khiến kim ngạch thương mại giảm tới 40% trong dài hạn. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đủ lớn và đa dạng để chịu được mức thuế cao hơn nhiều quốc gia khác, nhưng tác động dự kiến vẫn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế năm nay giảm một nửa và làm lạm phát tăng cao. Trong khi đó, Trung Quốc chịu tác động nhỏ hơn về tăng trưởng, nhưng nền kinh tế của họ vốn dĩ đã trong tình trạng khó khăn.
Một yếu tố đáng lo ngại không kém là sự bất định kéo dài trong chính sách. Các hãng vận tải đang cố gắng tận dụng tối đa “cửa sổ 90 ngày” hiếm hoi này – quãng thời gian mà chính sách thương mại với Trung Quốc có thể đoán trước được. Thiếu minh bạch trong chính sách khiến doanh nghiệp chùn bước cả trong mở rộng chuỗi cung ứng quốc tế lẫn các nhà máy trong nước, bởi họ cần biết mình và đối thủ sẽ phải chịu mức thuế như thế nào.
Kịch bản lạc quan nhất là Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận mang tính hình thức và tuyên bố chấm dứt căng thẳng hoàn toàn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tái đàm phán hiệp định thương mại NAFTA với Canada và Mexico một cách rầm rộ nhưng kết quả gần như không có thay đổi gì lớn. Ông cũng từng đạt thỏa thuận “Giai đoạn một” với Trung Quốc, trong đó nước này cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ. Nếu bỏ qua thực tế rằng chính ông Trump là người dựng nên các rào cản đó ngay từ đầu, thì “thỏa thuận” gần đây với Anh cũng chỉ là vài nét vẽ bên lề.
Chính niềm tin rằng chiến tranh thương mại sẽ xẹp xuống khi có thỏa thuận là lý do khiến nhà đầu tư lạc quan về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Nhưng vấn đề là ông vẫn còn tới ba năm rưỡi ở Nhà Trắng, vẫn kiên định với niềm tin rằng thuế quan là công cụ để tái công nghiệp hóa, và vẫn bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại – điều khiêu khích ông ấy hành động. Thâm hụt thương mại này thậm chí có thể còn gia tăng nếu đảng Cộng hòa tại Quốc hội dự định mạnh tay vay nợ chính phủ – một yếu tố thường kéo theo gia tăng nhập khẩu.
Ông Trump là người luôn muốn giữ nhiều lựa chọn và sẵn sàng quay lưng với các thỏa thuận do chính mình ký kết. Cùng với đó, Trung Quốc cũng đã không thực hiện đầy đủ cam kết trong thỏa thuận giai đoạn một. Cả hai bên đều có lý do để nghi ngờ thiện chí của nhau. Chừng nào ông Trump còn tại vị, một cuộc đối đầu thương mại mới hoàn toàn có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Theo The Economist
>> Nóng: Mỹ sẽ tạm dừng phỏng vấn visa du học, rà soát mạng xã hội của ứng viên
Mỹ có thể sắp công bố thỏa thuận thương mại với nhiều nước
Các nước lãnh đủ khi giới bán lẻ áp chiến lược ‘né đạn’ ở Mỹ