Câu chuyện đầu tư

MSH giảm sàn liên tiếp trước lo ngại thuế quan Mỹ: Cổ đông lớn FPTS vẫn 'án binh bất động'?

Quốc Trung 04/04/2025 - 12:03

CTCP May Sông Hồng (MSH) là doanh nghiệp dệt may có tới 80% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ – mức cao hàng đầu trong ngành.

Chính sách thuế đối ứng Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 46% đang tạo ra những phản ứng mạnh trên thị trường tài chính. Các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, gỗ, thủy sản – vốn có tỷ trọng đơn hàng lớn từ Mỹ – đứng trước rủi ro đơn hàng sụt giảm, chi phí gia tăng và dòng tiền hoạt động suy yếu.

Một trong những cái tên chịu tác động mạnh nhất là CTCP May Sông Hồng (Mã MSH), doanh nghiệp dệt may có tới 80% doanh thu đến từ thị trường Mỹ (khoảng 4.059 tỷ đồng) – mức cao hàng đầu trong ngành, theo thống kê của Dragon Capital.

Cổ phiếu MSH đã lập tức phản ứng tiêu cực: Giảm sàn trong phiên 3/4 và tiếp tục giảm sàn trong phiên sáng 4/4, kéo giá từ vùng đỉnh lịch sử 61.000 đồng về còn 50.800 đồng/cp, vốn hóa "bốc hơi" hơn 640 tỷ đồng, tương đương 14,3%.

MSH giảm sàn liên tiếp trước lo ngại thuế quan Mỹ: Cổ đông lớn FPTS vẫn 'án binh bất động'?
Diễn biến cổ phiếu MSH

Đáng chú ý, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS – mã FTS) hiện là cổ đông lớn thứ hai tại May Sông Hồng với tỷ lệ sở hữu 12,79%, tương đương gần 9,6 triệu cổ phiếu. Đây là khoản đầu tư được FPTS giữ lâu dài, thuộc danh mục đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp – không nằm trong hoạt động tự doanh trên thị trường.

Tại ĐHCĐ thường niên ngày 1/4 vừa qua, ban lãnh đạo FPTS đã trình kế hoạch doanh thu 2025 đi ngang ở mức 1.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 500 tỷ – giảm nhẹ 2,5% so với năm 2024. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Điệp Tùng lưu ý rằng kế hoạch này chưa tính đến biến động chưa thực hiện, bao gồm đánh giá lại khoản đầu tư vào MSH.

Ông Tùng khẳng định: "Công ty không tập trung vào tự doanh trên sàn vì điều này sẽ mâu thuẫn quyền lợi với chính khách hàng. FPTS chỉ thực hiện đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp chưa niêm yết và đồng hành. Chúng tôi đi cùng MSH mười mấy năm và chưa nói đến chuyện rời đi, nếu việc hợp tác còn hiệu quả cho cổ đông".

May Sông Hồng hiện có vốn điều lệ 750 tỷ đồng, vốn hóa hơn 3.800 tỷ đồng (tính theo giá phiên 2/4). Năm 2024, công ty ghi nhận gần 5.300 tỷ đồng doanh thu và 442 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 16,3% và 80,4% so với cùng kỳ. Mức cổ tức 35% bằng tiền đã được thanh toán ngày 20/12/2024. Đây cũng là doanh nghiệp dệt may có mức trả cổ tức ấn tượng bằng tiền trong 4 năm gần nhất (từ 25-45%).

Tuy nhiên, theo báo cáo từ VIS Rating, nếu thuế quan Mỹ thực sự áp dụng theo mức đã công bố, các doanh nghiệp như MSH – vốn có tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ quá lớn – sẽ gặp khó trong việc xoay chuyển thị trường, dễ rơi vào tình trạng giảm đơn hàng, tăng chi phí và gặp áp lực tài chính.

Diễn biến thực tế trên sàn chứng khoán đang phần nào phản ánh nỗi lo này. Dù vậy, động thái “án binh bất động” từ cổ đông lớn như FPTS cũng cho thấy niềm tin vào khả năng thích nghi dài hạn – nếu doanh nghiệp đủ năng lực ứng biến chính sách và củng cố thị trường nội địa.

>> CTCK đầu tiên 'cài số lùi' mục tiêu kinh doanh năm 2025, vì giảm kỳ vọng vào 'siêu cổ phiếu' đang nắm giữ?

Nhóm xuất khẩu chủ lực sang Mỹ: May Sông Hồng (MSH), Vĩnh Hoàn (VHC), TNG... chiếm tỷ trọng lớn

Vì sao Chứng khoán FTS ngó lơ 'bầu sữa' 31.000 tỷ đồng của Tập đoàn FPT?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/msh-giam-san-lien-tiep-truoc-lo-ngai-thue-quan-my-co-dong-lon-fpts-van-an-binh-bat-dong-285737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    MSH giảm sàn liên tiếp trước lo ngại thuế quan Mỹ: Cổ đông lớn FPTS vẫn 'án binh bất động'?
    POWERED BY ONECMS & INTECH