Trước giờ G: Mỹ dàn trận thương mại, Trung Quốc cảnh báo đáp trả
“Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào ký kết thỏa thuận thương mại làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của Trung Quốc để đổi lấy ưu đãi thuế quan”, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố trong thông cáo phát đi cuối tuần qua.
Thỏa thuận tạm ngừng xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh hiện vẫn còn hiệu lực, nhưng Trung Quốc ngày càng lo lắng trước việc Mỹ đang tìm cách ký các thỏa thuận mới có thể loại các công ty Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước hạn chót ngày 9/7, các quan chức Mỹ đang gấp rút đàm phán với các đối tác thương mại lớn ở châu Á và châu Âu, nhằm đạt được những thỏa thuận có thể hạn chế hàng hóa liên quan đến Trung Quốc, hoặc buộc các nước này cam kết chống lại các hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng từ phía Bắc Kinh.
Ví dụ, Ấn Độ – quốc gia được đánh giá là gần đạt được thỏa thuận với Mỹ – hiện đang đàm phán về "quy tắc xuất xứ". Mỹ yêu cầu ít nhất 60% giá trị sản phẩm phải được tạo ra ở nội địa để được công nhận là "Made in India" và hưởng ưu đãi, trong khi phía New Delhi muốn hạ mức này xuống còn khoảng 35%.
“Vấn đề khó của các nước châu Á trong cuộc chiến thương mại do ông Trump khơi mào là họ vừa phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng cuối cùng từ Mỹ, vừa dựa nhiều vào linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc trong sản xuất”, bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, nhận định.
Phản ứng từ Bắc Kinh
Là đối tác thương mại lớn hơn Mỹ đối với phần lớn các nền kinh tế châu Á, Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động nếu lợi ích của mình bị đe dọa. Dự kiến, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ tiếp tục nhấn mạnh lập trường này trong chuyến thăm châu Âu tuần này, với các điểm dừng chân tại Brussels, Đức và Pháp.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào ký kết thỏa thuận thương mại làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của Trung Quốc để đổi lấy ưu đãi thuế quan”, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố trong thông cáo phát đi cuối tuần qua. “Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Lệnh tạm hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump – nhằm tạo cơ hội đàm phán – sẽ hết hiệu lực vào ngày 9/7. Nếu không đạt thỏa thuận, các quốc gia liên quan có thể đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể.
Một số chính phủ đã nhanh chóng hành động nhằm tránh bị Mỹ đưa vào “tầm ngắm” thương mại. Thái Lan và Hàn Quốc đã tăng cường kiểm soát các lô hàng có nguy cơ bị lợi dụng để trung chuyển, né thuế từ Mỹ.
Lo ngại về kiểm soát xuất khẩu công nghệ
Trung Quốc cũng đang đặc biệt lo ngại việc Mỹ có thể lôi kéo các đồng minh tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao, điều có thể cản trở kế hoạch tự chủ bán dẫn của Bắc Kinh.
Tại châu Âu, tình hình cũng trở nên nhạy cảm. EU hiện là điểm đến xuất khẩu ô tô điện lớn nhất của Trung Quốc và lượng đầu tư Trung Quốc vào EU và Anh năm ngoái đạt 10 tỷ euro. Tuy nhiên, căng thẳng đang leo thang. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cáo buộc Trung Quốc "vũ khí hóa" đất hiếm và cảnh báo về nguy cơ do tình trạng dư thừa công suất.
Bắc Kinh đặc biệt quan ngại rằng EU có thể ký thỏa thuận tương tự như thỏa thuận giữa Anh và Mỹ, bao gồm các cam kết về an ninh chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu và quy định về sở hữu trong các lĩnh vực như thép, nhôm và dược phẩm. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, thỏa thuận này vẫn bị Bắc Kinh lên án gay gắt.
“Trung Quốc rõ ràng lo ngại rằng EU sẽ chấp nhận phương án giống như Anh đã ký với Mỹ”, ông Joerg Wuttke, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc nhận định. “Trung Quốc đang gây áp lực để EU không làm vậy, còn Mỹ thì đang đẩy EU đi theo hướng đó”, ông cho biết thêm.
Washington và Brussels đang nỗ lực đạt thỏa thuận trước ngày 9/7 – thời điểm Mỹ dự kiến áp mức thuế 50% với gần như toàn bộ hàng hóa EU. Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ gấp đôi sang Trung Quốc, EU xem Washington là đối tác thương mại quan trọng hơn, điều này mang lại lợi thế đàm phán cho Mỹ.
“Thông điệp cuối tuần qua từ Trung Quốc rõ ràng nhắm vào Brussels”, ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu nhận định, sau chuyến công tác tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Điều khiến Bắc Kinh lo ngại hơn cả là viễn cảnh các nỗ lực của Mỹ hình thành nên một trật tự thương mại toàn cầu mới – nơi chuỗi cung ứng được tái cấu trúc xoay quanh các quốc gia “đáng tin cậy”, với Trung Quốc bị loại khỏi vòng kết nối.
Trong chuyến thăm Đông Nam Á đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi khu vực “đoàn kết như một gia đình châu Á” và cảnh báo về sự chia cắt thương mại.
Trung Quốc lâu nay vẫn phản ứng bằng các biện pháp đáp trả thương mại có mục tiêu. Khi EU áp thuế lên ô tô điện Trung Quốc, Bắc Kinh đã mở điều tra chống bán phá giá rượu mạnh, sữa và thịt lợn châu Âu. Năm 2023, Trung Quốc ngừng nhập khẩu hải sản từ Nhật sau hội nghị G7 bị coi là chỉ trích Trung Quốc. Tranh chấp với Australia năm 2020 khiến hàng tỷ USD hàng hóa như tôm hùm, rượu vang và lúa mạch bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Nếu một thỏa thuận nào đó liệt kê rõ Trung Quốc là đối tượng bị nhắm tới, hoặc thể hiện rằng các quốc gia khác đang hợp tác với Mỹ để ‘kiềm chế Trung Quốc’, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả”, ông Tu Xinquan, cựu cố vấn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.
>> Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm
Hàng hóa kẹt cứng, cảng biển tê liệt: Châu Âu 'lãnh đòn' vì thuế quan
Bức tranh trái chiều ở hai siêu cường châu Á trước hạn chót thuế quan 9/7