Mỹ tiếp tục áp thuế: Liệu có 'gậy ông đập lưng ông'?
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chuẩn bị phải đối mặt với đòn thuế quan của Mỹ khi ông Donald Trump vừa chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình.
Trong khoảng một ngày, có vẻ như Trung Quốc đã gặp may. Sau khi chính thức trở lại Nhà Trắng hôm 20/1 (giờ địa phương), một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên của ông Trump là hoãn lệnh cấm TikTok, giúp ứng dụng truyền thông xã hội do công ty Trung Quốc ByteDance sở hữu có thêm thời gian để tìm cách hoạt động tại Hoa Kỳ. Tân Tổng thống Mỹ cũng nhắc tới việc tăng thuế đối với một loạt quốc gia, nhưng Trung Quốc không nằm trong danh sách này.
Tuy nhiên, điều này đã kết thúc chỉ 1 ngày sau đó. Ông chủ mới của Nhà Trắng tiết lộ mình đang cân nhắc áp dụng mức thuế mới là 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế này có thể có hiệu lực sớm nhất là vào ngày 1/2/2025, với cáo buộc Trung Quốc đã chuyển fentanyl sang Mexico và Canada, dẫn đến việc ông phải áp thuế hai quốc gia “láng giềng” của Mỹ.
Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định “cam kết chắc chắn sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia” sau bình luận về thuế quan của Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cũng nói thêm rằng “không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay thuế quan”, một câu mà Trung Quốc vẫn thường nhắc lại.
Vào năm 2020, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã ký một thỏa thuận “Giai đoạn Một” với Bắc Kinh, theo đó cắt giảm một số mức thuế để đổi lấy việc Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với chi phí khoảng 200 tỷ USD trong thời gian 2 năm. Bắc Kinh đã không đạt được mục tiêu đó khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Căng thẳng thương mại ngày càng gay gắt giữa Washington với Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty Mỹ và các nước khác đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và tìm cách “tháo chạy” khỏi Trung Quốc, chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước ngoài đã phải vật lộn để hoàn toàn thoát khỏi Trung Quốc. Các chuyên gia về chuỗi cung ứng lưu ý rằng chưa có quốc gia nào khác có thể sánh được với khả năng sản xuất các sản phẩm phức tạp ở quy mô lớn và chi phí thấp của “nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”.
Hơn nữa, thuế quan cũng có thể phản tác dụng, ảnh hưởng nặng nề đến các công ty Mỹ vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc như các nhà bán lẻ lớn Walmart và Costco. Cả hai công ty này đều cảnh báo rằng thuế quan rộng rãi có thể làm tăng giá bán hàng hóa của họ cho người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Trong khi các công ty Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang các thị trường Đông Nam Á và Mỹ Latinh, khi thị trường Mỹ bắt đầu đóng cửa, các chuyên gia lưu ý rằng các nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ phải vật lộn để tìm kiếm thị trường thay thế cho Hoa Kỳ và những người tiêu dùng chi tiêu cao của nước này.
Theo Fortune.com/Yahoo! News
>> Tỷ phú Bloomberg chi tiền thực hiện nghĩa vụ của Mỹ sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu
Mức thuế 45% không ‘xi nhê’, xe điện Trung Quốc vẫn tung hoành tại châu Âu
Ông Trump cân nhắc áp thuế 10% với mọi hàng hóa Trung Quốc từ 1/2