1.200 nhân viên truyền thông, nhà báo bị sa thải: Chuyện gì đang xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á?
Không chỉ lo chạy deadline, nhiều nhà báo Indonesia giờ đây còn nơm nớp lo bị mất việc bất cứ lúc nào.
Hàng nghìn nhân viên truyền thông, nhà báo mất việc, 75% tiền chi cho quảng cáo vào túi Google, Meta
Nhiều tòa soạn tại Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang trở nên vắng vẻ. Không phải vì các nhà báo đã hoàn thành công việc và ra về, mà bởi nhiều người trong số họ – những người từng nỗ lực trở thành tiếng nói của nhân dân – đã buộc phải từ bỏ thẻ nhà báo một cách bất đắc dĩ.
“Sa thải” đã trở thành từ khóa thường trực trong giới báo chí Indonesia hiện nay. Nhưng lần này, không phải vì họ đang đưa tin về làn sóng cắt giảm lao động mà chính họ hoặc đồng nghiệp của họ là nạn nhân.
Số liệu cụ thể vẫn chưa rõ ràng vì nhiều cơ quan báo chí chọn cách im lặng. Tuy nhiên, Hội đồng Báo chí Indonesia cho biết khoảng 1.200 nhân sự trong lĩnh vực truyền thông, bao gồm nhiều nhà báo đã bị sa thải trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2024.

“Không phải cơ quan nào cũng công khai việc vừa cắt giảm nhân sự. Có những cơ quan báo chí từng được xác minh chính thức có thể đã ngừng hoạt động”, bà Ninik Rahayu, Chủ tịch Hội đồng Báo chí Indonesia phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí Thế giới 2025 (3/5) tại Thủ đô Jakarta.
Không chỉ các đơn vị nhỏ lẻ, những đài truyền hình lớn cũng không tránh khỏi việc cắt giảm biên chế hàng loạt. Kompas TV được cho là đã sa thải 150 người, CNN Indonesia (TV) giảm 200 nhân sự, trong khi tvOne cũng cho thôi việc 75 người. Tập đoàn Emtek (gồm SCTV và Indosiar) phải cho nghỉ việc khoảng 100 người, trong khi MNC Group đóng cửa 8 văn phòng khu vực và cắt giảm gần 100 nhân viên chỉ trong tháng 5 năm nay.
Các đài phát thanh, truyền hình Nhà nước như RRI và TVRI cũng chịu chung số phận do Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto yêu cầu thực hiện chính sách thắt chặt ngân sách.
Truyền thông truyền thống đang mất dần nguồn thu, phần lớn do quảng cáo đổ dồn về các nền tảng kỹ thuật số. Năm 2024, tổng chi quảng cáo quốc gia của Indonesia đạt 107 nghìn tỷ rupiah (6,4 tỷ USD), trong đó hơn 75% chảy vào túi các “ông lớn” công nghệ nước ngoài như Google và Meta (công ty mẹ của Facebook).
Tình trạng sa thải ồ ạt đã phơi bày bức tranh ảm đạm về tự do báo chí tại Indonesia, khi “xứ sở vạn đảo” tụt từ hạng 111 xuống đứng thứ 127 trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2025 (trong tổng số 180 quốc gia), điểm số cũng giảm mạnh từ 51,15 còn 44,13.
Thêm vào đó, người đọc ngày càng ưu tiên mạng xã hội để cập nhật tin tức – dù độ chính xác khó kiểm chứng. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng trở thành thách thức lớn. Trong khi nhà báo làm việc dựa trên đạo đức nghề nghiệp, kiểm chứng và nguồn tin đáng tin cậy, AI lại có thể tạo văn bản, hình ảnh và video tức thì, khiến họ bị “gạt ra ngoài”.
Cạnh tranh không công bằng với các nền tảng số
Ông Agus Sudibyo thuộc Hội Nhà báo Indonesia (PWI) cho rằng các tòa soạn thường gọi việc sa thải là “tái cấu trúc kinh doanh”, nhưng nguyên nhân thực chất là khủng hoảng hệ thống chưa được giải quyết. Ông chỉ ra sự bất công giữa báo chí trong nước và các nền tảng kỹ thuật số – nơi gần như chiếm trọn thị phần quảng cáo.
Dù bị giảm doanh thu quảng cáo, báo chí vẫn phải tuân thủ hàng loạt quy định như Luật Báo chí, Luật Phát thanh, Luật Giao dịch điện tử… và phải đóng thuế, chịu trách nhiệm nội dung. Trong khi đó, các nền tảng số thì hoạt động tự do, không bị ràng buộc bởi quy định tương đương.
“Đây không còn là câu chuyện sống còn của ngành báo chí, mà còn là vấn đề chủ quyền kinh tế, thậm chí là chủ quyền quốc gia”, ông Agus phát biểu trước Quốc hội Indonesia.
>> Top 5 công việc có nguy cơ bị xóa sổ trong 20 năm tới vì AI: Nghề nào dễ bị thay thế nhất?
Các nền tảng số tận dụng hợp tác với báo chí địa phương để thu thập dữ liệu người dùng, sau đó độc quyền khai thác dữ liệu này. “Dữ liệu đó đáng ra thuộc về tất cả chúng ta, nhưng chỉ một số ít nền tảng hưởng lợi. Họ phát triển không phải vì nội dung, mà vì kiểm soát dữ liệu của chúng ta”, ông Agus nói.
Tác động xã hội của nền tảng số cũng rất nghiêm trọng – từ tin giả, ngôn từ thù hận, cờ bạc trực tuyến đến nghiện thiết bị điện tử – nhưng các công ty công nghệ vẫn tránh được trách nhiệm pháp lý, núp bóng danh nghĩa “công ty công nghệ” thay vì “nhà phân phối nội dung”.
Ông Agus kêu gọi Indonesia noi theo Liên minh châu Âu (EU) bằng cách ban hành các đạo luật kiềm chế sức mạnh của các nền tảng kỹ thuật số. Ví dụ, EU có Luật Dịch vụ Kỹ thuật số để tạo môi trường mạng an toàn và có trách nhiệm, cùng Luật Thị trường Kỹ thuật số để đảm bảo cạnh tranh công bằng.
“Chúng ta cần quy định nhắm trực tiếp vào mô hình kinh doanh và quyền lực dữ liệu của các nền tảng. Đây không chỉ là sự cạnh tranh kinh doanh, mà còn là cuộc chiến giành quyền kiểm soát không gian số quốc gia”, ông Agus khẳng định.
Nhà báo làm Bộ trưởng: Cơ hội thay đổi
Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Indonesia Meutya Hafid – người từng là phóng viên thừa nhận ngành truyền thông đang “không ổn chút nào”. Bà cho biết Bộ của mình đang phối hợp với Bộ Lao động để tìm giải pháp cụ thể cho vấn đề sa thải hàng loạt nhà báo.

Thứ trưởng Nezar Patria – cũng là cựu nhà báo đề xuất các tòa soạn nên xây dựng mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn hợp tác cụ thể để chống tin giả trên mạng xã hội.
“Mô hình đúng cần được thử nghiệm và áp dụng. Truyền thông cần quyết định: tiếp tục độc lập ngoài hệ sinh thái nền tảng hay hợp tác để xây dựng quan hệ bền vững hơn trong tương lai”, ông Nezar nói.
Hiện tại, một dự thảo sửa đổi Luật Phát thanh đang được thảo luận ở Indonesia. Nghị sĩ Amelia Anggraini thừa nhận có sự mất cân bằng pháp lý giữa truyền thông truyền thống và nền tảng kỹ thuật số, nhưng khẳng định luật sửa đổi sẽ bảo vệ, linh hoạt, không cản trở đổi mới và không cấm báo chí điều tra.
“Dự luật không cấm báo chí điều tra. Dân chủ chỉ tồn tại khi thông tin đáng tin cậy và điều đó chỉ có trong một hệ sinh thái công bằng”, bà Amelia nói.
Trong khi đó, Nghị sĩ Dave Laksono cho rằng thách thức lớn nhất là phải đảm bảo dự luật “phù hợp và bảo vệ chủ quyền phát thanh của Indonesia giữa làn sóng công nghệ toàn cầu”.
>> Tòa Mỹ phán ông Trump phải bồi thường cho cựu nhà báo Jean Carroll 5 triệu USD
Đã đến lúc Chính phủ hành động
Nhiều ý kiến kêu gọi Chính phủ Indonesia bảo vệ ngành truyền thông. Chuyên gia Trubus Rahardiansah nhận định: nhiều nền dân chủ từng trao lĩnh vực truyền thông cho tư nhân, nay bắt đầu nhận ra Nhà nước cũng cần tham gia, bằng cách ban hành chính sách hỗ trợ, quy định và ưu đãi.
“Chính phủ có thể yêu cầu các cơ quan Nhà nước ưu tiên đăng quảng cáo trên báo chí truyền thống, thay vì chi tiền cho YouTube hay TikTok”, ông Trubus nói.
Chuyên gia kinh tế Andry Satrio Nugroho cũng kêu gọi Nhà nước Indonesia đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị sa thải, đồng thời duy trì sức mua và hỗ trợ ngành báo chí.
“Chính phủ không chỉ nên hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, mà còn có thể cung cấp trợ cấp lương, như từng làm trong đại dịch Covid-19”, ông Andry gợi ý.
Trợ cấp thất nghiệp hiện bao gồm tiền mặt, thông tin thị trường lao động và đào tạo nghề. Trong đại dịch Covid-19, Indonesia từng trợ cấp 500.000 rupiah/tháng (hơn 784.000 đồng/tháng) trong 2 tháng cho người lao động thu nhập thấp, tổng cộng 1 triệu rupiah mỗi người.
Theo Jakarta Globe
>> Tăng trưởng 153%, ô tô Trung Quốc đè bẹp Nhật Bản ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á
Bán mặt hàng truyền thống sang Mỹ- EU, một doanh nghiệp thu về 500 tỷ mỗi năm
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đón tin vui sau chuỗi ngày ảm đạm