Cơ hội đầu tư

Nếu hai tỉnh giàu xứ Kinh Bắc tái sáp nhập, sẽ hình thành 'siêu tỉnh công nghiệp'

Thảo Đan 16/04/2025 08:02

Việc sáp nhập hai tỉnh này sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thông qua phương án hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, đặt tên tỉnh mới là Bắc Ninh, với trung tâm hành chính đặt tại Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Bắc Ninh để triển khai quá trình sáp nhập.

Việc hợp nhất Bắc Giang và Bắc Ninh từng diễn ra trong quá khứ, tên gọi là tỉnh Hà Bắc, từ năm 1962-1996. Sau khi tách ra vào ngày 1/1/1997, cả hai đều đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội trong gần 30 năm qua.

Nếu hai tỉnh giàu xứ Kinh Bắc tái sáp nhập: 'Siêu tỉnh công nghiệp' hình thành, kinh tế như 'diều gặp gió'
Bắc Giang và Bắc Ninh từng được sáp nhập, có tên gọi là tỉnh Hà Bắc

>> Cuba sẽ chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam, mời gọi Bắc Ninh đầu tư vào đặc khu quy mô 465km2

Trước khi sáp nhập, Bắc Giang và Bắc Ninh đều là những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và tốc độ công nghiệp hóa.

Dù có diện tích nhỏ nhất cả nước, Bắc Ninh vẫn đứng thứ 9 về quy mô GRDP với hơn 232.800 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 6,03% so với năm trước. Trong quý I/2025, kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng ấn tượng với GRDP đạt 9,64% so với cùng kỳ.

Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích gần 6.400ha, trong đó 12 khu đã hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy trên 62%. Các khu công nghiệp lớn như VSIP, Yên Phong, Quế Võ… đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Bắc Ninh cũng liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Bắc Giang ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng GRDP vượt trội, đạt 19,3% năm 2022, 13,45% năm 2023 và 13,85% năm 2024, dẫn đầu cả nước. Quý I/2025, GRDP của tỉnh tiếp tục tăng 14,02%, giữ vững vị trí số một. Tổng vốn FDI năm 2024 và quý I/2025 đạt 2,23 tỷ USD.

Với 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp, Bắc Giang đang phát triển hệ thống logistics và chuỗi sản xuất khép kín, đặc biệt tại các khu vực giáp Bắc Ninh như Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang.

Sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo ra một "siêu tỉnh công nghiệp", tăng cường năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa nguồn lực. Sự kết hợp giữa thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của Bắc Giang và trung tâm sản xuất công nghệ cao, điện tử của Bắc Ninh (với các tên tuổi lớn như Samsung, Canon, Amkor) sẽ hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - xuất khẩu hoàn chỉnh. Đồng thời, việc này giúp quy hoạch liên vùng hiệu quả, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển đô thị và hạ tầng giao thông.

Bắc Giang và Bắc Ninh không chỉ chia sẻ tiềm lực kinh tế mà còn gắn bó bởi nền văn hóa - lịch sử lâu đời. Cả hai từng thuộc trấn Kinh Bắc, cái nôi của dân ca Quan họ và các lễ hội truyền thống đậm chất Bắc Bộ. Trong lịch sử, hai tỉnh đã trải qua nhiều lần hợp - tách, và việc sáp nhập lần này được xem là sự trở về cội nguồn, nhận được sự đồng thuận lớn từ người dân.

Hiện nay, Bắc Ninh có diện tích 822,7km², dân số khoảng 1.488.250 người (theo thống kê năm 2022), với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 70 xã, 52 phường và 4 thị trấn. Bắc Giang có diện tích 3.827km², dân số khoảng 1.922.740 người (tính đến 1/1/2024), với 10 đơn vị hành chính cấp huyện.

Việc sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh không chỉ là một thay đổi hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng bền vững và toàn diện.

>> Một tỉnh từng nhiều lần sáp nhập: GRDP đầu người vượt 150 triệu đồng, nhỏ nhất nhưng hút vốn đầu tư nhiều nhất

Tập đoàn Hàn Quốc có vốn hóa 200 tỷ USD đổ bộ Nghệ An, nhắm đến siêu dự án điện khí LNG

LG Display bán nhà máy sản xuất màn hình tại Trung Quốc, mở rộng đầu tư vào Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/neu-hai-tinh-giau-xu-kinh-bac-tai-sap-nhap-se-hinh-thanh-sieu-tinh-cong-nghiep-286839.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nếu hai tỉnh giàu xứ Kinh Bắc tái sáp nhập, sẽ hình thành 'siêu tỉnh công nghiệp'
    POWERED BY ONECMS & INTECH