Nếu hai tỉnh này ‘về chung một nhà’, một địa phương mới sẽ có cảng hàng không quốc tế và loạt khu công nghiệp trọng điểm
Hai địa phương này đều có thế mạnh về công nghiệp.
Sáng 11/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo.
Thông tin về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang được giao chủ trì sắp xếp với tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, mốc cuối cùng để nộp hồ sơ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là trước ngày 1/5, thời điểm lấy ý kiến cử tri vào ngày 20/4.
Trong quý I/2025, kinh tế tỉnh Bắc Ninh tiếp đà phát triển, đạt nhiều kết quả khởi sắc. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,64%, vượt cả 2 kịch bản dự báo tăng trưởng mà tỉnh này xây dựng.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, chỉ số IIP tăng 11,7% so với cùng kỳ; trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh tăng mạnh ở mức 13,08%.
Tại Hội nghị trao chứng đăng ký đầu tư cho các dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 31/3, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn cả nước. Trong 3 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư với trên 2 tỷ USD, chủ yếu là các dự án công nghệ cao và bán dẫn.
Chia sẻ về tiềm năng, dư địa phát triển công nghiệp trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cho biết, hiện nay, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp, diện tích hơn 6.400 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 60% nên vẫn còn dư địa đất để thu hút đầu tư.
Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai thêm một số khu công nghiệp, trong đó nghiên cứu một khu công nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số gắn với sân bay Gia Bình kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sân bay Gia Bình là cảng hàng không quốc tế, có tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và an ninh, quốc phòng.
Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình có cấp sân bay 4E với công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm; khai thác loại tàu bay B777, B787, A350, A321 và các tàu bay chuyên cơ, chuyên dùng khác.
>>Một địa phương mới sau khi sáp nhập sẽ có cửa khẩu quốc tế và nhiều bến cảng quan trọng
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Còn tại Bắc Giang, trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt khoảng 13,82%, đứng đầu cả nước. Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,05%, công nghiệp - xây dựng ước tăng 17,24%, dịch vụ ước tăng 5,79%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 8,54%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 26,58% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 183.146 tỷ đồng, tăng 25,83%, đạt 21,7% kế hoạch. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.173 tỷ đồng, bằng 31,97%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 20.813 tỷ đồng, tăng 21,01%; khu vực FDI 161.160 tỷ đồng, tăng 29,26%.
Tính đến nay tỉnh Bắc Giang có 16 khu công nghiệp được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 3.683,94 ha, trong đó có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 khu công nghiệp đang triển khai các thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng.
Các khu công nghiệp được quy hoạch nằm dọc theo Quốc lộ 1A mới Hà Nội – Lạng Sơn, đường tỉnh lộ 295, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển.
>>Dự kiến sáp nhập: Một địa phương mới sẽ có 2 sân bay cùng loạt cảng biển quan trọng
Trước sáp nhập, bất ngờ quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình
Trung ương yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu sắp xếp, đặt tên cấp xã sau sáp nhập