COVID-19 vừa là phép thử, đồng thời là động lực cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước bắt tay xây dựng chuỗi cung ứng nhằm tự chủ trong sản xuất, vững vàng trước mọi tác động của thị trường.
Phép thử mạnh cho doanh nghiệp
Năm 2021, trong khi rất nhiều doanh nghiệp dệt may kể cả trong nước và doanh nghiệp FDI lao đao do dịch, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lại tăng trưởng ngoạn mục. Doanh thu và thu nhập hợp nhất của tập đoàn đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch, cao hơn năm 2019 gần 70%.
Sợi được ví như “thần tài” khi là sản phẩm chính giúp tập đoàn đạt lợi nhuận khủng. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ: Doanh thu ngành sợi chỉ chiếm khoảng 50% nhưng chiếm trên 50% lợi nhuận của toàn hệ thống. Những năm trước, cơ cấu lợi nhuận 80% đến từ ngành may, 20% đến từ ngành sợi, đến năm 2021 cơ cấu đảo chiều rõ rệt với 55% sợi và 45% may.
“Ngoài yếu tố khách quan do giá thị trường, quan trọng nhất là công tác quản trị điều hành sản xuất giúp năng suất của hệ thống các nhà máy sợi được nâng lên rõ rệt. Cùng 1 nhà máy, những năm trước, năng suất đạt 900 tấn sợi/tháng, hiện lên tới 1.300 tấn sợi/tháng”, ông Cao Hữu Hiếu nói.
Với May 10, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10- CTCP - cho biết: Năm 2021 là năm rất khó khăn về sản xuất nhưng thuận lợi về thị trường. Lượng đặt hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu của May 10 khá thuận lợi, thậm chí thuận lợi hơn năm 2019. Tổng doanh thu của May 10 năm 2021 tăng trưởng 17% so với năm 2020.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như Vinatex và May 10. “Thiếu lao động, không thể tổ chức sản xuất, chịu phạt tiến độ hoặc phải giao hàng bằng đường hàng không với chi phí cao ngất ngưởng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ở khu vực Nam”, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công nói.
May Việt Tiến lại ở trong tình cảnh khốn đốn hơn, chỉ trong vòng 4 tháng TP. HCM và các địa phương khu vực phía Nam thực hiện giãn cách đã đánh đổ toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 của doanh nghiệp. 100% các nhà máy của Việt Tiến nằm ở 8 địa phương khu vực phía Nam bị ảnh hưởng, thậm chí có doanh nghiệp phá sản.
Có thể thấy, dịch COVID-19 là phép thử mạnh với doanh nghiệp dệt may. Ngoài yếu tố may mắn khi không nằm trong vùng ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch, sự chủ động trong công tác phòng chống dịch, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chính sách chăm sóc giữ chân người lao động là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vượt bão dịch thành công.
Lãnh đạo May 10 cho biết, May 10 có chính sách chăm sóc người lao động rất tốt với hệ thống trạm y tế tương đương bệnh viện huyện, trường mầm non, ký túc xá… Do vậy, kể cả thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, doanh nghiệp vẫn đủ lao động để duy trì sản xuất.
Tạo dựng chuỗi cung ứng
Cũng theo lãnh đạo May 10, năm 2022 mặc dù vẫn còn nhiều nỗi lo nhưng May 10 vẫn đang chuẩn bị các chính sách để thu hút thêm khoảng 3.000 lao động cho các dự án mới ở Thanh Hoá, Quảng Bình, Thái Bình. Các dự án này cũng kỳ vọng mang lại tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2022.
Cũng như May 10, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng đến hết quý I, thậm chí đến quý II/2022 và đang tích cực sản xuất nhằm sớm lấy lại tăng trưởng bị sụt giảm do dịch bệnh.
Ở một mục tiêu cao hơn, Vinatex đã và đang trở thành đầu mối, dẫn dắt nhiều doanh nghiệp nỗ lực hiện thực hoá giấc mơ tự chủ, mục tiêu đến năm 2025 trở thành điểm mua hàng trọn gói và tập trung cho sản xuất xanh, sản phẩm xanh.
Chia sẻ về mục tiêu này, lãnh đạo Vinatex - bày tỏ: 2 năm xảy ra đại dịch, chúng ta đã chứng kiến hiểm hoạ của việc đứt gẫy chuỗi cung ứng. Khi được cung thì đứt cầu, khi được cầu thì đứt cung. Tránh để xảy ra tình trạng này trong tương lai, Vinatex đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng nội bộ và trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Theo đó, tập đoàn tập trung hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành dệt kim. Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương đã được đầu tư nâng cao năng suất, sẽ được đầu tư hoàn chỉnh đi theo hệ thống kéo sợi để hoàn thành chuỗi khép kín.
Tập đoàn cũng quy hoạch thêm 1-2 trung tâm dệt kim tại khu vực miền Trung với quy mô từ 25-30ha/trung tâm, có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Công tác khảo sát quy hoạch đang được tiến hành, trung tâm đặt tại Nghệ An đã cơ bản định vị xong vị trí, đang hoàn tất thủ tục để triển khai trong năm 2022; trung tâm đặt tại Nha Trang đang tiếp tục khảo sát.
Dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều hành vi của người tiêu dùng. Thay vì các bộ veston, áo sơ mi sang trọng người tiêu dùng đã chuyển sang các sản phẩm dệt kim được thiết kế đơn giản, giá thành hợp lý. Thực tế, đơn hàng doanh nghiệp dệt may nhận được thời điểm hiện tại đa phần là hàng dệt kim.
Tập đoàn cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số. Công ty mẹ, công ty chi phối và chi nhánh của tập đoàn sẽ cùng chung 1 môi trường quản trị số thông qua hệ thống. Sau khi hoàn thành, tất cả nguyên liệu đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất đều được kiểm soát. “Với ưu điểm độ chính xác cao, không mất lao động, chúng tôi coi quản trị số là chìa khoá đảm bảo thành công cho mục tiêu chiến lược giai đoạn”, ông Cao Hữu Hiếu nói.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) 'bội thu' nhờ biến động tại 'thủ phủ may mặc' thế giới
Những ngành nào của Việt Nam sẽ 'bứt phá' từ cam kết xóa bỏ thuế quan của UAE?