Ngành học có mức lương cao thứ 3 Việt Nam, đang ‘khát’ tới 400.000 nhân lực mỗi năm, lương trung bình 20 triệu/tháng
Đây là một ngành học tiềm năng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh và học sinh.
Trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, đây là một trong những ngành học tiềm năng, thu hút sự quan tâm lớn từ học sinh và phụ huynh.

Thiếu hụt nhân lực trầm trọng
Hiện cả nước có hơn 100 trường đại học, cao đẳng và học viện có đào tạo ngành CNTT, mỗi năm cung cấp khoảng 50.000 kỹ sư ra thị trường. Tuy nhiên, hiện thị trường lao động tại Việt Nam vẫn thiếu hụt tới 400.000 nhân lực mỗi năm.
Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev, trong số sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được ngay yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng, số còn lại cần phải được đào tạo lại.
Thực trạng này phản ánh khoảng cách đáng kể giữa chương trình đào tạo trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn của thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng, phát triển phần mềm theo xu hướng Agile/DevOps…

Mức lương hấp dẫn
Mức lương trung bình của nhân sự ngành CNTT hiện vào khoảng 20 triệu đồng/tháng, đứng thứ 3 trong nhóm 10 ngành có thu nhập cao nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, đa số người lao động Việt Nam không hài lòng với mức thu nhập này.
Theo số liệu từ CareerViet, ngành CNTT có mức thu nhập trung bình cao thứ 3, sau Y tế và Thư ký/Trợ lý/Điều hành, thuộc nhóm từ 18 đến dưới 25 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, đối với sinh viên mới ra trường hoặc các vị trí dưới 1 năm kinh nghiệm, mức lương khởi điểm thường dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng.
Những người có từ 1-3 năm kinh nghiệm có thể đạt thu nhập từ 12-25 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào vị trí và năng lực tích lũy.
Nhân sự có kinh nghiệm từ 3-5 năm thường nhận mức từ 25-40 triệu đồng/tháng, với các vị trí chuyên sâu hoặc quản lý có thể cao hơn nữa.

Trong thực tế, thu nhập trong ngành CNTT có sự phân hóa lớn tùy theo vị trí và năng lực cá nhân. Ngoài ra, hình thức làm việc từ xa cũng mở ra cơ hội việc làm toàn cầu cho kỹ sư phần mềm Việt Nam, khi nhiều người có thể làm việc trực tuyến cho các công ty tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Điểm chuẩn cạnh tranh
Ngành CNTT là một trong những ngành học có điểm chuẩn cao trong kỳ tuyển sinh năm 2024.
Tại khu vực phía Bắc, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí top đầu với điểm chuẩn ngành CNTT - Kỹ thuật máy tính lên tới 28,48-28,53 điểm, tùy theo chuyên ngành; Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cũng ghi nhận điểm chuẩn 27,8; Đại học Kinh tế Quốc dân lấy mức điểm 35,17 (theo thang điểm 40, môn Toán nhân hệ số 2); Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phía Bắc lấy 26,4.

Tại miền Nam, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM lấy điểm chuẩn 25,97 cho ngành CNTT. Các trường tư thục như Đại học FPT và Đại học Công nghệ TP. HCM công bố điểm chuẩn là 21.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ lấy mức điểm 26,45 cho ngành này.
Đại học RMIT Việt Nam áp dụng phương thức tuyển sinh đặc thù, yêu cầu thí sinh có trình độ học thuật tốt và tiếng Anh đạt chuẩn (ví dụ IELTS 6.5), không xét điểm thi tốt nghiệp THPT truyền thống…