Nghị quyết 57 được xây dựng như một bản đồ chiến lược, giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ
Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Nguyễn Trung Chính cho biết, chúng ta đang nghiên cứu khoa học công nghệ nhưng chữ khoa học không gắn với công nghệ và chữ công nghệ không gắn với thị trường, doanh nghiệp. Đây là điểm mà tôi mong chờ khi sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông thì chúng ta sẽ khắc phục điểm nghẽn này.
Ông Chính khẳng định: “Nghị quyết 57 được xây dựng như 1 bản đồ chiến lược mà chúng tôi tin tưởng sẽ giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn”.
Ngoài ra, ông Chính cho biết thêm: “Năm 2024 chúng tôi đã có tuyên bố về chiến lược chuyển đổi AI, kiến nghị với Chính phủ là chúng ta cần tận dụng AI như 1 tiềm năng, năng lực công nghệ mà người Việt có để xây dựng đất nước”.
Về nhiệm vụ, Chủ tịch CMC cho biết đã nhận 2 nhiệm vụ quốc gia. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Quy mô đầu tư đến 80 MW, gấp gần 2 lần tổng công suất Việt Nam hiện nay đang có (khoảng 50 MW).
Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng C.OpenAI. Ông Chính nói: “C.Open chúng tôi công bố từ năm 2017 và đến nay chúng tôi chuyển thành C.OpenAI và xây dựng Core AI của người Việt, trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt”.
Để hoàn thành nhiệm vụ, người đứng đầu Tập đoàn Công nghệ CMC đưa ra 3 kiến nghị như sau:
Thứ nhất, Nhà nước hoàn thiện thể chế, cụ thể Nhà nước giao Bộ, ngành, địa phương "KPI" cam kết thời gian giải quyết thực thi cho doanh nghiệp như thế nào.
![]() |
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ hai, Tập đoàn có kế hoạch đầu tư 5 năm tới dành khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD xây hạ tầng kỹ thuật. “Băn khoăn của chúng tôi là nguồn vốn. Rất mong chúng ta có quỹ hỗ trợ phát triển nhưng không biết 700 triệu USD có được vay vốn không. Chúng tôi muốn có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm”, ông Chính nói.
Cuối cùng, CMC đang triển khai đào tạo vì Thủ tướng nói nguồn nhân lực rất quan trọng. Bên cạnh đó, CMC muốn mở các phân hiệu tại các địa phương thì có quy định phải có 2ha đất. Về lý thuyết 2ha đất đó là địa phương phải bố trí cho doanh nghiệp nhưng thực tế tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM có được 2ha đất là không hề dễ.
Ông Chính cho biết: “Chúng tôi có hạ tầng cơ sở để có thể đào tạo được ngay. Ví dụ tuyển sinh 1000-2000 sinh viên về trí tuệ nhân tạo thì chúng tôi có tòa nhà gần 10 nghìn mét vuông có thể đào tạo 2000 sinh viên. Nhưng quy định 2ha đất để triển khai phân hiệu mới thì thực sự không đơn giản về thủ tục”.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Nghị quyết, đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, đến năm 2045, Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đến năm 2045 tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2024: Việt Nam có gần 74.000 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu gần 158 tỷ USD
Tổng Bí thư: Nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ phải đo lường được kết quả