Người dân "hái ra tiền" nhờ giá cà phê liên tục tăng gần chạm mốc kỷ lục

25-02-2023 08:11|Vân Anh

Từ đầu tháng 2/2023 đến nay, giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa liên tục tăng và áp sát mức kỷ lục 50.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 8/2022. Nông dân trồng cà phê phấn khởi vì lãi lớn vào chính vụ thu hoạch.

Hiện tại, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đang vào cao điểm thu hoạch cà phê. Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Nga Thanh, cho biết: Năm 2022, giá phân bón tăng cao khiến chi phí sản xuất của nông dân tăng mạnh. Thời điểm trước tết, giá cà phê tại địa phương khoảng 40.000 đồng/kg, tương đương mức hòa vốn khiến bà con vô cùng lo lắng.

Tuy nhiên sau tết, đặc biệt từ đầu tháng 2 giá cà phê liên tục tăng theo nhu cầu thu mua chế biến xuất khẩu. Thời điểm giữa tháng 2, giá cà phê đạt 44.000 - 45.000 đồng/kg còn hiện tại là 48.500 đồng/kg. Tính ra mỗi ký cà phê nông dân thu lãi khoảng 10.000 đồng.

Mức giá thu mua cà phê ở nhiều địa phương khác tại khu vực Tây nguyên cũng xoay quanh mức 47.500 - 48.000 đồng/kg. Nhiều nông dân trồng cà phê hy vọng mức giá này sẽ duy trì cho đến cuối vụ. Thời điểm này giá cà phê ở mức cao được coi là tín hiệu rất tích cực vì đang trong vụ thu hoạch nếu so với năm trước giá cà phê đạt mức kỷ lục vào thời điểm giữa tháng 8 - hầu hết cà phê chỉ còn trong kho của các doanh nghiệp lớn.

Một số chủ vườn cà phê tại Krông Nô cho biết, năm nay may mắn giá cao ngay đầu vụ nên nông dân thu hoạch cà phê bán có lãi. Tuy nhiên, so với các năm trước năm nay thời tiết thất thường đặc biệt là mưa trái mùa nhiều đúng vài giai đoạn trổ bông nên năng suất giảm khoảng 500 - 700 kg/ha, chỉ còn khoảng 3,5 - 3,7 tấn/ha.

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,77 triệu tấn cà phê các loại với tổng kim ngạch đạt trên 4 tỉ USD, tăng gần 14% về lượng và 32% về kim ngạch. Trong tháng 1.2023, xuất khẩu cà phê đạt 142.500 tấn đạt kim ngạch 310 triệu USD giảm đến 38% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022; nguyên nhân là do trong tháng 1 trùng với kỳ nghỉ tết kéo dài.

Giá cà phê tăng do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới tăng. Cụ thể, theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), sau 3 tháng đầu của niên vụ 2022 - 2023 xuất khẩu arabica (Brazil) vẫn tăng 5,8% lên 10,3 triệu bao; xuất khẩu cà phê robusta (chủ yếu Việt Nam) tăng 2% đạt 10,5 triệu bao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay tăng 2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá.

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm chiếm 43,6% tổng khối lượng xuất khẩu với 62.132 tấn, trị giá 135 triệu USD.

Trong đó, những thị trường tiêu thụ cà phê chính của Việt Nam tại EU gồm Đức (21.487 tấn), Italy (17.274 tấn), Bỉ (9.282 tấn), Tây Ban Nha (5.984 tấn)…

Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu khác có thể kể đến như Mỹ đạt 10.901 tấn, Nga 10.087 tấn…

Điểm đặc biệt là khối lượng xuất khẩu sang một số nước trồng cà phê khác tăng rất mạnh trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái như Indonesia tăng gấp 4,5 lần (đạt 3.245 tấn), Mexico tăng 4 lần (đạt 2.797 tấn), Ấn Độ tăng 62,3% (đạt 2.507 tấn).

Giá cà phê robusta cao kỷ lục 45 năm, doanh nghiệp từng có cổ phiếu tăng hơn 2.000% trong 1 tháng báo lãi quý I gấp 7 lần

Giá cà phê bất ngờ giảm sốc, nông dân 'đánh rơi' hàng trăm triệu đồng

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-dan-hai-ra-tien-nho-gia-ca-phe-lien-tuc-tang-gan-cham-moc-ky-luc-170999.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Người dân "hái ra tiền" nhờ giá cà phê liên tục tăng gần chạm mốc kỷ lục
POWERED BY ONECMS & INTECH