Người đàn ông vừa qua đời, ngân hàng đòi vợ và con gái trả 200 triệu đồng tiền nợ, tòa án khẳng định: 'Họ không liên quan'
Khoản nợ phát sinh của người đàn ông này khiến vợ và con gái vô cùng bàng hoàng.
Tháng 2 năm 2024, một tin sét đánh ngang tai đã đảo lộn cuộc sống vốn yên bình của Chen Ru, một cô gái đến từ Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Giọng mẹ cô, bà Huang Ling, run rẩy qua điện thoại khi báo tin cha cô đang hấp hối. Không kịp suy nghĩ, cô gái này vội vã chạy đến bệnh viện để xem xét tình trạng của bố. Thế nhưng, bố Chen Ru đã ra đi đột ngột, để lại trong lòng cô một nỗi đau khó có thể nguôi ngoai.
Cha của Chen Ru, ông Chen Ming là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, vốn là tài sản quý giá của gia đình. Từ khi còn trẻ, ông đã không ngừng cố gắng để phát triển cửa hàng. Nhờ vị trí thuận lợi và sự tận tâm, cửa hàng tạp hóa của ông dần trở nên lớn mạnh, trở thành một trong những cửa hàng lớn nhất khu vực, mang lại cho gia đình cuộc sống no đủ.
Sự ra đi bất ngờ của ông Chen Ming đã khiến gia đình chìm trong nỗi đau và hỗn loạn. Mọi người bận rộn với việc lo hậu sự, không ai có thể bình tĩnh xử lý mọi việc. Trong lúc đó, điện thoại của Chen Ru liên tục đổ chuông. Cô gái trẻ đang chìm đắm trong nỗi đau mất mát đã vô tình bỏ qua những cuộc gọi đó và nghĩ rằng đây chỉ là những cuộc gọi làm phiền.
Sau khi có thời gian nghe điện thoại, Chen Ru nhận ra đây là số điện thoại gọi từ ngân hàng. Thậm chí, nhân viên ngân hàng còn nhắc tới tên người cha quá cố của cơ kèm một khoản nợ 58.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng). Phía ngân hàng vô cùng vội vàng, thậm chí còn yêu cầu mẹ con Chen Ru trả tiền ngay lập tức, nếu không họ sẽ kiện ra tòa.
Mẹ con Chen Ru quyết không thanh toán khoản nợ khiến ngân hàng khởi kiện vụ việc ra tòa. Qua quá trình xem xét, tòa án xác định rằng khoản nợ của ông Chen Ming phát sinh từ việc sử dụng thẻ tín dụng mà vợ và con gái ông hoàn toàn không hay biết. Theo quy định pháp luật, trong quan hệ hôn nhân, nếu vợ không được thông báo hoặc không đồng ý về khoản nợ của chồng, đó không được coi là nợ chung và không ràng buộc trách nhiệm với con cái. Vì vậy, mẹ con Chen Ru không phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ này.
Căn cứ vào những căn cứ pháp lý rõ ràng, tòa án đã đưa ra phán quyết hoàn toàn có lợi cho mẹ con Chen Ru. Quyết định này đồng nghĩa với việc họ được giải thoát khỏi khoản nợ khổng lồ và không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào. Chen Ru cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi biết tin, bởi cô hiểu rằng nếu phải trả nợ thì hai mẹ con sẽ phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.
Dù không hài lòng với phán quyết ban đầu, ngân hàng vẫn quyết định kháng cáo lên cấp tòa án cao hơn. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã một lần nữa khẳng định quyết định của tòa án sơ thẩm, bác bỏ mọi yêu cầu của ngân hàng. Qua vụ việc này, pháp luật đã chứng minh tính công bằng của mình khi bảo vệ quyền lợi của những người không hề hay biết về khoản nợ của người khác.
Quan niệm "cha nợ con trả" dù phổ biến trong dân gian nhưng không có cơ sở pháp lý vững chắc. Theo quy định của pháp luật, con cái chỉ có nghĩa vụ trả nợ cho cha mẹ trong trường hợp họ thừa kế tài sản và chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị tài sản thừa kế.