Người Việt hiếm hoi hạ gục môn đồ của huyền thoại Lý Tiểu Long: Võ sĩ bất bại một thời, huyền thoại thành công nhất của dòng võ Gò Công
Cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến huyền thoại võ thuật xứ Gò Công, người ta vẫn không ngớt lời ca tụng về “tay đấm không biết mệt”.
Võ sĩ Trần Bình Long (sinh năm 1955, tên thật là Trần Văn Mừng, còn gọi là Tư Mừng), được biết đến như tay đấm thành công nhất của dòng võ Gò Công. Ông từng vô địch quyền tự do hạng ruồi miền Nam; thượng đài 20 trận, trong đó có 18 trận thắng bằng knock-out. Ông cũng từng đối đầu với nhiều tay đấm quốc tế đến từ Hong Kong, Thái Lan và Campuchia. Đặc biệt, ông là một trong số ít võ sư Việt Nam đã từng đối đầu và đánh bại môn đồ của Lý Tiểu Long.
Võ sĩ bất bại
Khi còn là học sinh trung học tại Gò Công, thấy bạn bè học võ, Trần Văn Mừng cũng "ham vui" đến với lò võ Triệu Tử Long và lấy tên là Trần Bình Long. Nhận thấy tài năng thiên bẩm của ông, võ sư Quản Chí và con trai ông là Hồng Long – người tiếp quản võ đường sau này – đã dành sự chú trọng đặc biệt trong việc huấn luyện Trần Bình Long.
Võ đường Triệu Tử Long nổi tiếng với những đòn chỏ, gối và Trần Bình Long chính là người đã sử dụng thành thục tuyệt chiêu này. Những cú chỏ lật của ông trở thành bí kíp trong các trận thắng knock-out. Một võ sĩ dù đang chiếm ưu thế nhưng chỉ cần dính một cú chỏ lật của ông cũng có thể đo sàn không đứng dậy nổi. Trần Bình Long với lối đánh dũng mãnh này đã khiến nhiều người nể phục và dè chừng, nhưng vẫn không tránh khỏi thất bại trước những cú chỏ của ông.
Năm 1974, Trần Bình Long được Hồng Long ghi danh tham dự giải võ thuật khi vừa tròn 20 tuổi. Với thể hình thấp bé, chỉ cao 1m63 và khá nhỏ tuổi, ông không nhận được nhiều sự chú ý dù liên tiếp hạ knock-out các đối thủ để tiến vào vòng trong. Phải đến trận bán kết, cái tên Trần Bình Long mới thực sự khiến người ta phải kiêng dè.
Trong trận bán kết, Bình Long đối đầu với Lê Bảo Châu, một đàn anh dày dạn kinh nghiệm. Thế nhưng, chỉ trong 50 giây đầu tiên của hiệp đấu, Trần Bình Long đã hạ đo ván Lê Bảo Châu bằng một chiêu thức duy nhất. Đó chính là tuyệt chiêu Phượng Dực Bạt Phong. Với tuyệt chiêu này, ông đã bước lên ngôi vị cao nhất của giải võ thuật năm đó.
Sau giải đấu, nhiều võ sĩ đã đến thách đấu với Trần Bình Long. Dù không sợ hãi, nhưng thầy trò Bình Long lo ngại rằng nếu liên tục thi đấu thì sức khỏe của ông khó lòng chịu nổi. Hơn nữa, các võ sĩ thách đấu ngày càng đông, trong đó có cả những tên tuổi lớn như Xuân Hải và Lâm Điền Vũ từ võ đường Xuân Bình (Sài Gòn cũ).
Dù lo lắng là vậy nhưng trong mỗi lần thượng đài, Trần Bình Long vẫn xuất sắc hạ gục các đối thủ, giữ vững chuỗi trận toàn thắng bằng knock-out.
Trận đấu "cân não" cùng môn đồ của Lý Tiểu Long
Trở thành võ sĩ chiến thắng tuyệt đối tại Việt Nam thời bấy giờ, võ sư Hồng Long khuyên Bình Long ngừng nhận lời thách đấu trong nước. Nhưng cũng chẳng được nghỉ ngơi lâu, các thư mời thách đấu từ các võ sĩ ngoại quốc được gửi về tới tấp. Trong đó, đáng nhớ nhất với Trần Bình Long là trận nghênh chiến với Lý Diệu Quang, môn đồ của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Nhận được thư thách đấu của Lý Diệu Quang, cả Trần Bình Long và Hồng Long bồi hồi không yên. Vì trước giờ, người bạn láng giềng phương Bắc luôn tự hào về nền võ học tinh hoa mấy nghìn năm. Tuy không xa lạ gì những trận tranh hùng với võ sĩ nước ngoài nhưng lần thượng đài cùng Lý Diệu Quang lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Không ai bảo ai, tất cả những người trong đoàn đều hiểu rằng, đây chính là cơ hội để võ thuật cổ truyền nước ta khẳng định vị thế không hề thua kém Kungfu Trung Hoa.
Ngày thi đấu, Hồng Long vỗ vai Bình Long đầy tin cẩn. Bên dưới võ đài, những con tim Việt đang thổn thức hướng theo từng bước chân của Bình Long. Vào hiệp 1, như thường lệ, Bình Long chưa vội tấn công, cả Lý Diệu Quang cũng vậy. Cả hai chỉ đánh cầm chừng để dò đòn đối phương nhưng các đòn thế vẫn không kém phần đẹp mắt. Kungfu Trung Hoa quả thật không tầm thường, các đòn thế của tay chân luôn kết hợp uyển chuyển, nhìn thì đẹp mắt lại hiểm hóc khôn lường.
Nhưng Trần Bình Long cũng không phải là hạng tay mơ. Bao nhiêu tinh hoa của võ thuật cổ truyền mà ông đã lĩnh hội đều được mang ra thể hiện. Với năng khiếu thiên bẩm, Bình Long liên tục hóa giải thành công những thế đánh của Diệu Quang. Sau mỗi lần hóa giải đều kèm theo một đòn hậu, lợi dụng lực của đối phương, khiến đại diện phía Trung Hoa mấy lần thất kinh, biến sắc.
Vào hiệp hai, Lý Diệu Quang nhờ lợi thế chiều cao vung quyền đấm thẳng vào giữa ngực Bình Long, võ sĩ Việt Nam bình tĩnh né đòn. Nghĩ Bình Long mới xoay người chắc hẳn chưa kịp về lại thủ bộ vững nên nhanh như cắt, Diệu Quang kèm tiếp một đòn “đá vắt”, nhắm ngang người Bình Long lướt tới.
Phía dưới võ đài, Hồng Long thất sắc, vì ông đã nhìn ra đây quả là một đòn “sát thủ”. Bình Long nhíu mày rồi như một cơn gió, ông nhẹ nhàng lướt người qua trái, đạp cước tiền, tay tung chiêu Phượng dực bạt phong. Bộ quyền pháp Phượng hoàng quả thực quá ảo diệu, lại được Bình Long kết hợp nhuần nhuyễn, biến thủ thành công khiến Diệu Quang trở tay không kịp, lãnh trọn một đòn trời giáng ngã lăn ra võ đài.
Tất cả khán giả đồng loạt đứng dậy, hồi hộp theo từng nhịp đếm của trọng tài, rồi vỡ òa theo tiếng tung hô: “Bình Long Việt Nam đã hạ knock-out Lý Diệu Quang của Hồng Kông”.
Cho đến mãi sau này, ông Trần Bình Long vẫn không thể nào quên được cảm xúc tuyệt vời của lần đối đầu năm ấy. Ông chạy ngay xuống đài và được sư phụ ôm chầm lấy, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa...
Những năm đầu sau thống nhất, võ đài tạm ngưng, ông Trần Bình Long đi học ở Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao TP. HCM rồi về Tiền Giang dạy thể dục, trong đó có thời gian công tác ở Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công ngày nay). Sau này, vì cuộc sống mưu sinh, ông cũng bỏ nghề thầy giáo để đi làm kinh tế.