Nhà đầu tư tháo chạy, 2.500 tỷ USD 'bốc hơi': Thuế quan của ông Trump châm ngòi biến động lớn nhất kể từ khủng hoảng Covid-19?
Động thái áp thuế ồ ạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vào thứ Năm (ngày 3/4), khi các lĩnh vực từ ngân hàng đến công nghệ cùng đồng loạt lao dốc, phản ánh mối lo ngại sâu sắc trước nỗ lực tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu của ông Trump.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 4,8% và gần 6% sau thông báo về mức thuế cao nhất trong hơn một thế kỷ của ông Trump – ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Đồng USD mất giá 1,6% so với rổ tiền tệ chủ chốt, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ năm 2022.

Theo Financial Times, các đòn thuế diện rộng của ông Donald Trump đã "thổi bay" 2.500 tỷ USD khỏi Phố Wall.
Khi giới phân tích dự đoán các biện pháp thuế mới sẽ khiến lạm phát tăng và tăng trưởng suy yếu, cổ phiếu nhóm ngân hàng Mỹ đã rớt giá mạnh vì lo ngại suy thoái. Chỉ số KBW Bank Index giảm tới 9,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023.
Riêng Apple – công ty giá trị nhất thế giới – đã mất hơn 250 tỷ USD vốn hóa sau khi cổ phiếu lao dốc 9,3%. Nhà đầu tư lo ngại tác động từ thuế quan mới lên các chuỗi sản xuất của hãng tại châu Á. Giá dầu Brent cũng lao dốc 6,7%, xuống còn 69,94 USD/thùng.
“Thị trường đã quá chủ quan. Giờ thì mọi thứ đang rơi vào vòng xoáy tiêu cực hướng đến suy thoái, trừ khi có lý do đủ thuyết phục để dừng lại”, ông Robert Tipp - Giám đốc bộ phận trái phiếu toàn cầu tại PGIM nhận định.
Trong bối cảnh hoảng loạn, nhà đầu tư tìm đến trái phiếu Kho bạc Mỹ như một kênh trú ẩn an toàn. Trái phiếu ngắn hạn, đặc biệt kỳ hạn 2 và 3 năm, chứng kiến mức biến động lớn nhất kể từ tháng 8/2024. Diễn biến này phản ánh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm thêm lãi suất – do lợi suất trái phiếu đi ngược với giá.
“Chúng ta đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển quy mô lớn vào tài sản chất lượng như trái phiếu Chính phủ”, ông Matthew Scott – Giám đốc cấp cao tại công ty quản lý tài sản AllianceBernstein cho biết.
Tình trạng hỗn loạn trên thị trường bắt nguồn từ thông báo mới đây của ông Trump, về việc áp thuế 10% với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ ngày 5/4, và các mức thuế đối ứng lên đến 50% áp dụng từ ngày 9/4 đối với hàng chục quốc gia. Riêng hàng hóa từ Trung Quốc có thể chịu tổng thuế lên tới 54%.

Giới phân tích cảnh báo các biện pháp này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm đáng kể trong năm nay, buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải dịch chuyển khỏi mô hình xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ "kiên quyết áp dụng các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền lợi của mình", trong khi Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: “Ngày càng nhiều quốc gia phản đối các đòn áp thuế đơn phương của Mỹ”.
Về phía Tổng thống Trump, ông cho rằng các biện pháp thuế này sẽ giúp tái thiết ngành sản xuất Mỹ, thu hút đầu tư, ngăn chặn sự “bóc lột” từ nước ngoài, đồng thời tạo ra hàng nghìn tỷ USD để tài trợ cắt giảm thuế. “Thị trường sẽ bùng nổ, và nước Mỹ cũng vậy”, ông Trump phát biểu hôm thứ Năm, đồng thời lặp lại quan điểm rằng các đối tác thương mại đã “lợi dụng nước Mỹ trong nhiều năm qua”.
Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chịu ảnh hưởng. Hãng xe Stellantis cho biết sẽ tạm cho 900 lao động tại 5 nhà máy ở Mỹ nghỉ việc, do hoạt động sản xuất tại Canada và Mexico bị gián đoạn sau khi ông Trump áp mức thuế 25% lên xe nhập khẩu.
Các doanh nghiệp tiêu dùng như Nike và Best Buy nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất, giữa lúc tâm lý người tiêu dùng Mỹ ngày càng bi quan, trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt với rủi ro.
Các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng tỏ ra phẫn nộ, coi đây là hành động thù địch về kinh tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi doanh nghiệp châu Âu tạm dừng đầu tư vào Mỹ. “Thông điệp sẽ là gì nếu các tập đoàn lớn của châu Âu vẫn rót hàng tỷ euro vào Mỹ, trong khi họ đang tấn công chúng ta?”, ông Macron nói, đồng thời khẳng định “mọi lựa chọn đáp trả đều được cân nhắc”.
Ngược lại, Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer tuyên bố với giới doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ, sau khi các nỗ lực ban đầu không ngăn được ông Trump áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Anh.
Thủ tướng Pháp François Bayrou gọi động thái của ông Trump là “một thảm họa với kinh tế toàn cầu… và cũng là thảm họa với chính nước Mỹ cũng như người dân nước này”.
Tại Đức – quốc gia đối mặt mức thuế 20% – Viện Ifo cảnh báo kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái vì “thiệt hại nghiêm trọng” từ chính sách thuế mới. Không chỉ các cường quốc, nhiều quốc gia nhỏ và nghèo cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Vương quốc Lesotho cũng phải đối mặt mức thuế 50%, trong khi quốc đảo Nauru chịu mức 45%.
Theo FT
>> Nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường chứng khoán chuyển sang vàng, chuyện gì đang xảy ra?
Nhà đầu tư tháo chạy, USD lao dốc: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?
Bỏ 1 thu 5 chỉ trong vài tháng, hàng loạt nhà đầu tư mất trắng vì lừa đảo chứng khoán