Được biết, các hạng mục đường cất, hạ cánh, sân đỗ tàu bay,… cũng được đồng loạt khởi công trong tháng 8 và 9 tới.
Ngày 6/7, UBND tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tháng 6 vừa qua, ACV đã mở hồ sơ dự thầu gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) và có ba liên danh nộp hồ sơ đấu thầu. Dự kiến trong tháng 7, việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu đối với hạng mục này hoàn thành.
Đến tháng 8 tới sẽ khởi công nhà ga hành khách. Các hạng mục đường cất, hạ cánh, sân đỗ tàu bay... cũng được đồng loạt triển khai trong thời gian này, ông Việt nói.
Về mặt bằng để thi công, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đến nay huyện Long Thành đã cơ bản hoàn thành giải phóng 1.810ha xây sân bay giai đoạn 1 và khu vực 722ha dự trữ đất dôi dư.
Gói thầu 5.10 - xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là hạng mục lớn nhất của dự án Sân bay Long Thành.
Tháng 9/2022, gói này đã được đấu thầu lần đầu, song không có đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu. ACV sau đó phải hủy và đấu thầu lại. Đến ngày 12/6, chủ đầu tư đóng hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10. Ba liên danh nộp hồ sơ dự thầu gồm: CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur.
Trong đó, liên danh Hoa Lư gồm 8 nhà thầu có nhiều kinh nghiệm về mảng xây dựng trong nước và quốc tế như: Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta, Power Line Engineering Public Company Limited (Thái Lan), do Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đứng đầu.
Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors gồm các công ty Thuận Việt, CDC, Xuân Mai, Beijing Construction Engineering Group Co.Ltd do Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc China Harbuor Engineering Conpany Limited đứng đầu.
Còn liên danh Vietur gồm 10 thành viên, trong đó có một số nhà thầu trong nước như: Ricons, Newtecons, Sol E&C, Vinaconex, CC1, với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ sẽ được xây dựng với công suất 25 triệu khách một năm, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Giai đoạn hai, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách một năm, hoàn thành năm 2035.
Các hạng mục còn lại hoàn thành trong giai đoạn 3 để công trình đạt công suất 100 triệu khách một năm, hoàn thành năm 2050.
Chính thức trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Dự án siêu sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam có đề xuất mới