Nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam do Pháp xây dựng muốn thu phí tham quan
Nếu đề án được thông qua, việc thu phí tham quan theo mức giá mới sẽ được triển khai từ ngày 1/10 tới đây.
Trong những năm trở lại đây, ngành đường sắt Việt Nam đã đầu tư nâng cấp, phát triển các sản phẩm vận tải trên tuyến Đà Lạt – Trại Mát. Mục tiêu của dự án này là để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh cũng như tạo điểm nhấn về du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến ga Đà Lạt và đi tàu đạt 275.212 lượt khách, bằng 111,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng khách tham gia đi du lịch tàu hỏa Đà Lạt - Trại Mát là 138.024 lượt khách, bằng 194% so với cùng kỳ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong thời gian qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nỗ lực xây dựng phương án triển khai hoạt động đầu tư và khai thác phục vụ khách du lịch nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế khi ga Đà Lạt được công nhận là điểm du lịch.
Theo như kế hoạch, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thuê đơn vị tư vấn để xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng đầu tư cơ sở hạ tầng, kết hợp với các ý tưởng kinh doanh mới nhằm phục vụ khách du lịch tại ga Đà Lạt. Bản quy hoạch này sẽ được trình lên các cấp có thẩm quyền Trung ương và địa phương để phê duyệt.
Dự kiến vào tháng 9 tới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ hoàn thành Đề án thu phí tham quan điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” và phương án giá dịch vụ để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu là triển khai thu phí tham quan theo mức giá mới từ ngày 1/10.
Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết rằng đơn vị sẽ huy động các nguồn lực để thực hiện việc tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu từ nguồn thu khai thác điểm du lịch. Điều này nhằm duy trì và bảo đảm các điều kiện kinh doanh điểm du lịch cũng như thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước và địa phương theo đúng quy định pháp luật.
Ga Đà Lạt (phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là nhà ga chính của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Phan Rang - Đà Lạt, nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đô thị “xứ ngàn thông” và được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Nhà ga do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Thi công và thầu khoán là một người Việt tên Võ Đình Dung.