Sắp 'lên đời' tuyến đường sắt hơn 100 năm tuổi nối Thủ đô với tỉnh giáp biên Trung Quốc, kinh phí hơn 2.000 tỷ?
Việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt sẽ góp phần tăng năng lực, cải thiện dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức chạy tàu.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam vừa báo cáo về các giải pháp khắc phục những điểm xung yếu trên mạng lưới đường sắt với Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, đơn vị này đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng với tổng mức đầu tư dự kiến 2.238 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng có tổng chiều dài 167km. Theo tư liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Hà Nội - Đồng Đăng là tuyến đường sắt có tuổi đời hơn một trăm năm. Vào ngày 8/4/1902, tuyến đường sắt Hà Nội lên Đồng Đăng được đưa vào khai thác trên toàn tuyến.
Về lý do đề xuất nâng cấp, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết rằng đơn vị này đã khai thác tuyến đường sắt trên từ năm 1970. Trải qua thời gian dài, hiện tại, kết cấu bỏ hầm bằng bê tông xi măng đã xuống cấp khi có những vết nứt nhỏ và bị rò rỉ nước, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Ngoài ra, tổng cộng trên tuyến có 60 cầu, trong đó có 1 cầu đặc biệt lớn, 4 cầu lớn, 9 cầu trung và 46 cầu nhỏ. Hiện tại, cây cầu Long Biên – cây cầu có tuổi đời lâu nhất Việt Nam đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần phải sớm cải tạo để đảm bảo an toàn cho tàu chạy. Trong khi đó, những cây cầu khác cơ bản đáp ứng được yêu cầu khai khác.
Trên tuyến cũng có 8 hầm với tổng chiều dài gần 2.000m. Các hầm được thiết kế với đường ray cũ, tà vẹt bê tông thường thường nên cần được đầu tư nhằm có thể đáp ứng được tốc độ khai thác và nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, 67 vị trí xung yếu trên toàn tuyến cũng cần được sửa chữa, bảo trì hàng năm.
Trong giai đoạn từ 2026-2031, dự kiến, tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng sẽ được cải tạo đường, nâng bán kính đường cong tại các điểm tắc nghẽn về vận tải. Hệ thống cống, thoát nước và nền đường cũng sẽ được gia cố vững chắc hơn. Đồng thời, nhà ga, đường ga cũng sẽ được cải tạo nhằm đảm bảo an toàn cũng như xóa bỏ điểm đen gây hạn chế tốc độ.
Việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt này dự kiến sẽ góp phần tăng năng lực, cải thiện dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức chạy tàu.
Ga quốc tế Đồng Đăng nằm ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 14km về phía Đông Nam. Đây là một ga quan trọng kết nối với Trung Quốc và là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng.