Nhà ở xã hội UDIC Eco Tower chưa đủ điều kiện nhận đặt cọc
TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC khuyến cáo người dân, khách hàng liên quan đến việc nhận đặt cọc, giao dịch mua bán căn hộ tại dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Udic Eco Tower.
Dự án mới quây tôn, "cò" đã rao bán
Cụ thể, thông tin về dự án nhà ở xã hội UDIC EcoTower tại ô đất NO1 thuộc dự án Khu đô thị mới Hạ Đình (Hà Nội), Tổ công ty Udic cho biết dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 2784/QĐ-UBND ngày 27/6/2021 giao Liên danh Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC – Công ty TNHH một thành viên; Công ty Cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội-Haweico; Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Hiện nay, Liên danh chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật. Dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý để huy động vốn và bán ra ngoài cho người dân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Tổng công ty Udic cho biết, qua các kênh phương tiện thông tin xã hội thì gần đây, việc nhận đặt cọc, giao dịch mua bán căn hộ tại Dự án Nhà ở Xã Hội (UDIC EcoTower) lại bắt đầu xuất hiện dưới nhiều hình thức trái pháp luật như dưới dạng hợp đồng tư vấn pháp lý nhằm mục đích lừa đảo chiếm dụng tài sản của khách hàng, người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Tổng công ty khẳng định: “Dự án Nhà ở Xã Hội (UDIC Ecotower) chưa đủ điều kiện để nhận đặt cọc căn hộ cũng như ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội".
Vì vậy, Udic khuyến cáo mọi thông tin về việc nhận đặt cọc, ký Hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án trong thời gian gần đây là thông tin không chính xác. Mọi hành vi của bất kỳ tổ chức/ cá nhân nào nhân danh liên danh chủ đầu tư dự án thực hiện việc đặt cọc, giữ chỗ, giao dịch mua bán căn hộ tại dự án UDIC Ecotower đều là giả mạo, vi phạm pháp luật.
Rủi ro cao
Thời gian qua, hoạt động quản lý mua bán nhà ở xã hội đã bộc lộ nhiều kẽ hở. Trên các trang mạng xã hội, nhiều khu nhà ở xã hội dù chưa đủ điều kiện bán nhưng đã có hàng chục bài viết quảng cáo mời gọi mua nhà, nhận hồ sơ với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vay vốn khá chi tiết.
Chỉ cách đây ít tháng, trước sức nóng của dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, loạt thông tin rao bán suất mua nhà, bán chênh căn hộ tại dự án này cũng dậy sóng. Trên mạng xã hội, website và các nhóm rao bán nhà đất nóng rần rần với các suất mua chênh lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hay cũng tại huyện Thanh Trì, dự án nhà ở xã hội Sunrise Home được rao bán trên một website mua bán nhà ở xã hội rằng: “Hiện tại đang gom hồ sơ đăng ký thuê mua”.
Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Văn phòng Luật sư Long Cường - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, việc “lách luật” bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, di chúc hay hợp đồng hứa mua hứa bán, lập vi bằng… người mua lại NOXH có thể gặp nhiều rủi ro về sau.
Trong đó, đối với hình thức lập vi bằng và hợp đồng hứa mua hứa bán, đây lại loại hình mua bán trong trong tương lai, có giá trị khi hai bên tuân thủ nó nhưng khi 1 trong 2 tranh chấp thì người mua luôn bị thiệt thòi vì đây không phải là giao dịch bảo đảm.
Đồng quan điểm, LS Vũ Văn Biên, Công ty Luật TNHH An Phước cho rằng Luật Nhà ở 2014 đã quy định chi tiết các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội và với những điều kiện liên quan cho từng đối tượng chi tiết. Đối với thủ tục, trình tự mua NOXH đã được chi tiết hóa tại các văn bản như Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP, Thông tư 20/2016/TT-BXD...
Do đó các khách hàng có nhu cầu về nhà ở xã hội cần tìm hiểu để xem mình có thuộc diện được mua hay không, nếu đủ điều kiện thì thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục quy định.
Đối với các thông tin về dự án, khách hàng nên tìm hiểu theo các kênh chính thống như website của Sở Xây dựng các tỉnh thành và của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhằm tránh việc bị lợi dụng, cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn của Luật sư nếu có thể.
Bình Định kiên quyết thu hồi dự án chậm trễ
Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi cán bộ có ô tô nên trả nhà ở xã hội đang thuê