Pranav Ravikumar đã thay đổi ba công việc kể từ khi tốt nghiệp đại học và anh chỉ mới 24 tuổi. Một tháng sau khi tốt nghiệp vào tháng 12/2020, anh đã trải qua hai vòng phỏng vấn của chương trình đào tạo quản lý tại công ty dược phẩm Abbott. Anh thành công trở thành nhà phân tích thương mại điện tử, nhưng rồi Ravikumar nhận thấy mình hứng thú với công việc có nhịp độ nhanh hơn tại các công ty tư vấn và công ty khởi nghiệp. Công việc tại Abbott cũng yêu cầu anh phải chuyển đến Columbus, Ohio, xa gia đình và bạn bè ở Washington, D.C.
Vào tháng 10/2021, Ravikumar rời Abbott để làm việc từ xa với Dragonfly, một công ty khởi nghiệp chuyên mua lại và phát triển các doanh nghiệp thương mại điện tử nhỏ, đồng thời chuyển về lại Washington. Vài tháng sau, anh đề nghị với người quản lý của mình về việc tham gia nhiều hơn vào việc phát triển chiến lược, nhưng không được phê duyệt. Vì vậy, một năm sau, Ravikumar bắt đầu tìm việc làm mới. Tháng 2 này, anh bắt đầu công việc tiếp thị sản phẩm tại Alma, một mạng lưới thành viên giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần xây dựng các hoạt động của họ.
Đối với Ravikumar, kiểu nhảy việc nhanh chóng này là một trải nghiệm tích cực. Anh chia sẻ: “Tôi đã tăng gần gấp đôi mức lương khởi điểm của mình tại Abbott và điều đó rất quan trọng đối với tôi. Tôi thực sự muốn sự linh hoạt của công việc từ xa và bây giờ tôi khó có thể từ bỏ điều đó. Và tôi đã có được rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong các ngành công nghiệp một cách cực kỳ nhanh chóng.”
Trước đây, nhảy việc để tăng lương và nâng cao kỹ năng khi mới bắt đầu sự nghiệp là một "red flag" đối với người sử dụng lao động. Đây không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, xu hướng này dường như ngày càng phổ biến: 22,3% người lao động từ 20 tuổi trở lên đã dành một năm hoặc ít hơn cho một công việc vào năm 2022, theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu lợi ích nhân viên (Employee Benefit Research Institute), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập của Mỹ. Khoảng 33% dành hai năm hoặc ít hơn cho một công việc.
Nhiều lao động thuộc thế hệ Gen Z và Millennials không hề cảm thấy lo lắng vì điều này. 74% những người từ 18 đến 26 tuổi và 62% những người từ 27 đến 42 tuổi đang tìm kiếm một công việc mới hoặc dự định tìm kiếm trong sáu tháng tới, theo một cuộc khảo sát nhân viên Hoa Kỳ được thực hiện vào tháng Năm bởi Robert Half, một công ty tư vấn nhân sự.
Dawn Fay, phụ trách giải pháp nhân tài và tư vấn kinh doanh tại Robert Half, cho biết cuộc khảo sát cũng hỏi các nhà quản lý tuyển dụng mối quan tâm hàng đầu của họ khi đánh giá lý lịch của ứng viên: 77% cho biết là ứng viên "có ý định nhảy việc".
Jeff Hyman, giám đốc điều hành của Recruit Rockstars, một công ty tuyển dụng ở Chicago, mô tả nhảy việc là một “cơn đau đầu lớn” đối với các nhà tuyển dụng. Ông nói, khi những nhân viên tiềm năng rời đi sớm, những người khác có thể thắc mắc tại sao hoặc bắt chước theo. “Các giám đốc nhân sự tiếp tục hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, nhưng có vẻ như nó sẽ trở nên tồi tệ hơn theo từng tháng.”
Chỉ sau tám tháng làm việc tại công ty ở Pittsburgh, Erin Confortini, 24 tuổi, đã được tuyển dụng cho những công việc tương tự với mức lương cao hơn 20.000 đô la một năm, nhưng cô đã từ chối vì cảm thấy mức lương này không đáng để mạo hiểm thay đổi hướng đi. Confortini, người hiện kiếm thêm thu nhập với tư cách là TikTok influencer (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội TikTok) với hơn 246.000 người theo dõi, đã đăng bài về quyết định không nhảy việc của mình. (Trên thực tế, một năm sau bài đăng, Confortini cũng rời bỏ công việc cũ để làm việc cho một công ty mới thành lập.) Bài đăng đã nhận được hơn 450 bình luận, trong đó hầu hết khuyên cô ấy nên "chạy theo đồng tiền" hơn là trung thành với một công ty (một bình luận ghi: “đừng để nỗi sợ chi phối quyết định”).
Mặc dù hiểu rõ về những quan điểm trái iều, Confortini đã trả lời: “Tôi cũng nghĩ rằng bạn cần cân nhắc xem điều đó [nhảy việc quá nhanh] sẽ trông như thế nào trong lý lịch của mình.”
Nhiều nhà tuyển dụng có cùng suy nghĩ như vậy.
Ông Hyman, nhà tuyển dụng, cho biết mặc dù nhảy bớt trở thành yếu tố đáng quan ngại hơn trong cộng đồng khởi nghiệp, nhưng các nhà tuyển dụng truyền thống vẫn coi những ứng viên đó là những lựa chọn rủi ro. Ông nói: “Các nhà tuyển dụng bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng ra quyết định và khả năng phán đoán của ứng viên. Các nhà quản lý tuyển dụng cũng phàn nàn rằng rất khó để đánh giá thành tựu của một người chỉ làm những công việc kéo dài dưới hai năm."
Jessica Kriegel, hiện đang làm việc tại Culture Partners, một công ty tư vấn kinh doanh, cho biết một lý do khiến tình trạng nhảy việc phổ biến là do tình trạng sa thải lặp đi lặp lại liên quan đến suy thoái kinh tế, hiện bao gồm cả việc sa thải trước để đề phòng suy thoái. Điều đó khiến sự cam kết lâu dài mang tính đảm bảo, ổn định giữa lao động và người tuyển dụng cũng dần mất đi giá trị.
Mặt khác, nhiều nhân viên Gen Z từ bỏ sự cam kết với công ty để phát triển sự nghiệp riêng — và chấp nhận rủi ro. Khi Jonathan Javier, 28 tuổi, bắt đầu công việc đầu tiên với tư cách là chuyên gia điều hành tại Snapchat, mức lương của anh rất thấp. Nhưng anh đã đặt mục tiêu của mình vào ngành công nghệ và cảm thấy biết ơn khi có được công việc này. Thông qua LinkedIn, Javier đã kết nối với một nhà tuyển dụng tại Google và được thuê làm nhà phân tích hoạt động; sau một năm, anh chuyển sang làm huấn luyện viên bán hàng.
Ngay sau đó, Javier được một nhà tuyển dụng khác mời làm việc với tư cách là nhà phân tích hoạt động tại Cisco. “Đó là một công việc cấp cao hơn đã đẩy mức lương của tôi lên hơn sáu con số,” anh nhớ lại. Anh đã nhận lời đề nghị, rời Google sau 18 tháng. Trong nhiệm kỳ của mình tại Google, Javier đã bắt đầu một công việc phụ, Wonsulting, một doanh nghiệp huấn luyện nghề nghiệp nhắm đến những người tìm việc trẻ tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Khi bị sa thải một năm sau khi gia nhập Cisco vì đại dịch cắt giảm nhân sự, ông Javier đã chọn khởi nghiệp thay vì tìm kiếm một công việc khác và dành toàn thời gian cho Wonsulting.
Javier cho biết, làm việc cho một tập đoàn luôn khiến ông cảm thấy có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Bây giờ, với tư cách là ông chủ của chính mình, sự lo lắng đó đã biến mất. Và mặc dù tỷ lệ thất bại của các công ty khởi nghiệp cao, nhưng Javier cho biết anh không lo lắng: “Luôn có cách quay trở lại làm việc cho các công ty nếu tôi muốn điều đó”./.