Trong vụ Vạn Thịnh Phát, nhiều cá nhân đã nhận hối lộ từ SCB, tiếp tay Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản, nhưng cũng có không ít người lắc đầu từ chối nhận quà.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 86 người với nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội “Tham ô tài sản”, và có lời khai những người tại SCB đưa hối lộ.
Điển hình nhất, Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để chỉ điểm cho Trương Mỹ Lan cách để thoát khỏi những tiêu chí kiểm tra của đoàn thanh tra, “làm mờ” số liệu kết quả thanh tra, tránh việc SCB bị rơi vào diện bị kiểm soát. Ngoài Đỗ Thị Nhàn, hàng chục thành viên trong đoàn thanh tra cũng nhận tiền/quà từ SCB.
Các sai phạm tại ngân hàng SCB thông qua việc Trương Mỹ Lan lập khống các hồ sơ vay vốn để rút tiền ngân hàng sử dụng cho các mục đích cá nhân được tiếp tay rất nhiều từ những sai phạm của các đoàn thanh tra, giám sát.
Hành vi sai phạm của các cá nhân thuộc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Cục thanh tra giám sát ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (Cục II) khiến 5 đối tượng bị khởi tố là Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Tín và Nguyễn Thị Phi Lan. Cả 5 cá nhân này đều nhận tiền/quà từ các đại diện ngân hàng SCB.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 5 bị can thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận bao nhiêu từ SCB?
Bên cạnh những người nhận hối lộ, vẫn có những "cái lắc đầu", kiên quyết không nhận tiền/quà của SCB, và con số này cũng rất nhiều.
Ảnh bà Trương Mỹ Lan |
- 11 cá nhân là thành viên của Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, gồm Trần Thị Hứng, Trần Thị Tuyết Mai, Phạm Công Hoà, Trần Thế Quỳnh, Nguyễn Thị Tâm Thương, Đoàn Phương Thảo, Phạm Thế Khải, Hoàng Minh Thắng, Lê Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hạnh Linh và Ngô Trần Kiến Quốc.
Các thành viên này khai, qua quá trình giám sát ngân hàng SCB, đã phát hiện và có nhiều báo cáo lên lãnh đạo Cục II (Võ Văn Thuần), lãnh đạo TTGSNH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Phan Tấn Trung) và các tổ trưởng tổ giám sát. Trong số đó có cả kiến nghị việc đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp can thiệp sớm… Tuy nhiên các lãnh đạo cấp trên đã chỉnh sửa/gạch bỏ, không đồng ý với một số kiến nghị.
Quá trình công tác 10/11 thành viên tổ giám sát được SCB đưa quà vào dịp lễ tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Riêng Ngô Trần Kiến Quốc có tên trong quyết định thành lập tổ giám sát ngày 1/3/2016 (và sau đó ngày 18/5/2016 Trần Thế Quỳnh thay thế), Quốc không nhận lợi ích (tiền/quà) từ ngân hàng SCB.
- Ông Tô Duy Lâm, nguyên Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh từ tháng 6/2012 đến tháng 3/2021 (ngày 31/12/2020 ông Lâm có đơn xin thôi việc và được giải quyết nghỉ hưu từ 15/3/2021).
Quá trình công tác ông Lâm là tổ trưởng tổ giám sát ngân hàng SCB sau sáp nhập, đến tháng 7/2012 ông Dũng thay ông Lâm làm tổ trưởng, chỉ đạo toàn bộ mảng thanh tra giám sát. Ông Lâm không nhận lợi ích vật chất (tiền/quà) từ ngân hàng SCB.
-17 cá nhân là thành viên tổ giám sát giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 1/2016 cũng khai nhận trong quá trình công tác không nhận tiền, lợi ích từ ngân hàng SCB.
- Có 4 cá nhân liên quan đến đoàn thanh tra năm 2020 và năm 2022 là Dương Thị Bạch Tuyết, Phạm Đức Quang, Hồ Thị Hương và Trương Duy Thanh thực hiện ý kiến chỉ đạo thành lập đoàn và tham gia đoàn thanh tra. Quá trình làm việc, 4 cá nhân trên không hưởng lợi ích vật chất (tiền/quà) từ ngân hàng SCB.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 5 bị can thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhận bao nhiêu từ SCB?