Vụ Vạn Thịnh Phát: Đỗ Thị Nhàn "chỉ điểm" cho Trương Mỹ Lan cách thoát nạn đợt thanh tra như thế nào?

02-12-2023 18:26|Hồ Nga

Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ số tiền lớn để bưng bít, bao che, báo cáo không trung thực kết quả thanh tra.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã có kết luận điều tra về vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị khác. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng. Trong vụ án, sai phạm của đoàn thanh tra giám sát là một trong những yếu tố quan trọng.

Ngân hàng SCB ra đời từ tháng 1/2012 trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng TMCP là Đệ Nhất, Việt Nam Thương Tín và ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ). Bà Trương Mỹ Lan từ trước 2011 đã thâu tóm phần lớn cổ phần tại 3 ngân hàng trước hợp nhất và liên tục gia tăng sở hữu tại SCB sau hợp nhất. Đến 2018 tổng tỷ lệ sở hữu của bà Lan tại SCB gần như tuyệt đối, lên đến 91,54%.

Theo luật, bà Lan không thể tự mình đứng tên hơn 5% cổ phần tại ngân hàng, do vậy đã nhờ 27 cá nhân/pháp nhân đứng tên và điều khiển mọi hoạt động cho vay đối với nhóm Vạn Thịnh Phát do bà sáng lập.

SCB huy động tiền từ tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước, và gần như chỉ cho nhóm Vạn Thịnh Phát vay. Các khoản vay này đều có điểm chung là hồ sơ pháp lý không rõ ràng, phần lớn được giải ngân trước hoàn thiện hồ sơ sau, giá trị tài sản đảm bảo không tương ứng.

>>Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB

Năm 2017, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn từ 2015-2019, NHNN đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra toàn diện SCB. Trong đó đoàn số 3 với nhiệm vụ thanh tra toàn diện SCB do NHNN chủ trì phối hợp với thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia tiến hành.

Đoàn thanh tra được ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách TTGSNH ký quyết định thành lập, bà Đỗ Thị Nhàn (vụ trưởng vụ thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng) làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra bắt đầu làm việc tại SCB từ 18/8/2017.

Kết quả thanh tra thực tế phát hiện SCB sai phạm ở tất cả các nội dung thanh tra như tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế… Đặc biệt là các sai phạm trong việc cấp tín dụng - hầu hết đều có rủi ro mất vốn…

Nếu báo cáo đúng bản chất, thì thực trạng tài chính của ngân hàng SCB sẽ là rất xấu, thậm chí theo quy định, tỷ lệ nợ xấu, dư nợ cho vay bất động sản cao hơn rất nhiều so với kế hoạch tái cơ cấu, những tiêu chí này đủ đưa SCB vào diện bị kiểm soát đặc biệt.

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Số liệu của SCB đã được "làm mờ" như thế nào?

Kết luận điều tra xác định, trong suốt quá trình hoạt động, SCB thường xuyên bị kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động. Để không bị phát hiện, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, tổ trưởng tổ giám sát tăng cường tại SCB để bưng bít, che dấu thông tin sai phạm, báo cáo không trung thực….

Với lần thanh tra trên diện rộng này, khi có kết quả thanh tra ban đầu, ngân hàng SCB có ý kiến: Nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phân loại nợ xấu thì lợi nhuận SCB sẽ âm rất lớn, mất cân đối nghiêm trọng và khả năng phá sản là rất cao.

Do vậy SCB kiến nghị đoàn thanh tra, cơ quan TTGSNH, NHNN xem xét chấp thuận thực trạng các khoản nợ và giữ nguyên nợ nhóm 1 đối với các khoản vay thuộc các phương án, dự án tái cơ cấu để tránh việc phát sinh nợ xấu quá lớn ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng; đồng thời cho phép ngân hàng tiếp tục hạch toán các khoản lãi vay dự thu, tiếp tục bán nợ cho VAMC…

>>Vụ Vạn Thịnh Phát - SCB: "Những con số biết nói"

Trước đề xuất đó, Đỗ Thị Nhàn trình nội dung, và việc xem xét để SCB được cơ cấu nợ, giữ nguyên nợ nhóm 1 nhằm “hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngân hàng SCB thu hồi nợ vay” lên Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách vụ việc, và lập dự thảo tờ trình để trình lãnh đạo NHNN. Tuy vậy Nguyễn Văn Hưng đã không ký tờ trình báo cáo lãnh đạo NHNN, do vậy NHNN không biết và không có ý kiến phê duyệt chỉ đạo nội dung đề xuất của Trưởng đoàn thanh tra.

Khi cơ quan TTGSNH chưa báo cáo lãnh đạo NHNN xin ý kiến phê duyệt, ngày 23/1/2018 trong quá trình xây dựng Dự thảo báo cáo gửi lãnh đạo NHNN, Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 nhóm 5 liên quan 3 dự án Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A và Dự án Royal Garden khiến số liệu tài chính của SCB thay đổi.

>>SCB kinh doanh ra sao trước khi dính vụ khởi tố cùng với Vạn Thịnh Phát

Tại cuộc họp báo Chính phủ cùng lãnh đạo NHNN về kết luận thanh tra ngân hàng, Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn… của đoàn thanh tra chỉ báo cáo chung chung, không trung thực, không đầy đủ, làm mờ số liệu để ghi nhận “SCB đã chấp hành chỉ đạo của NHNN”.

Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn đã nhiều lần chỉ đạo chỉnh sửa nội dung, thậm chí không đối chiếu số liệu từ CIC như việc có 84 khách hàng cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai cùng vay tín dụng khoản tiền dư nợ lớn.

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: 84 khách hàng có cùng địa chỉ, dư nợ tại SCB hơn 122.800 tỷ đồng

Sau cuộc họp ngày 12/3/2018, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ các vi phạm của ngân hàng SCB đồng thời kiểm tra việc thực hiện cấp tín dụng… nhằm rà soát tình hình các khoản vay thuộc đề án tái cơ cấu. Do vậy đoàn thành tra quyết định gia hạn thời gian làm việc thêm 15 ngày.

Trong quá trình thanh tra kéo dài, Nhàn phát hiện nhóm 71 khách hàng (bỏ ngoài số liệu 13 khách hàng mới phát sinh) có dư nợ tại SCB trước 30/6/2017 không nhiều nhưng dư nợ tại thời điểm 31/3/2018 rất nhiều (11.050 tỷ đồng), ngân hàng SCB sẽ không tất toán kịp trước khi hết thời gian thanh tra bổ sung. Do vậy Nhàn đề nghị Nguyễn Văn Hưng thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra, để chỉ tính đến 30/6/2017.

>>Một triệu tỷ bị rút và việc 'bịt tai, che mắt' của 18 cán bộ thanh tra

Đối với 3 dự án tạo nợ xấu nhiều Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A và Dự án Royal Garden cũng được chỉ đạo “bỏ ngoài nội dung kiến nghị phân loại nợ”.

Trong quá trình thanh tra tại SCB đợt 1, Đỗ Thị Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan, Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB, Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB) và nhận tiền với số tiền đặc biệt lớn (5,2 triệu USD) thông qua lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn để bưng bít, bao che, báo cáo không trung thực kết quả thanh tra.

Lời khai của trương Mỹ Lan cho thấy, ban đầu, khi có quyết định thanh tra, Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn đã báo cáo Trương Mỹ Lan, xác định sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngân hàng.

Trương Mỹ Lan thông qua 2 nhân tố này đã 2 lần găph riêng Đỗ Thị Nhàn (1 lần tại trụ sở NHNN và 1 lần tại khách sạn Daewoo); tại cuộc gặp Lan nhờ Nhàn cố gắng sớm ra kết luận thanh tra để các đối tác nước ngoài đầu tư. Việc chi tiền cho nhàn do Võ Tấn Hoàng Văn, Đinh Văn Thành thực hiện, Trương Mỹ Lan không biết.

>>Vụ án Vạn Thịnh Phát: Truy tố Cựu Phó Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN

Đỗ Thị Nhàn khai nhận đã biết đến thực trạng rất xấu của SCB qua quá trình thanh tra. Tuy vậy Nhàn vẫn tiếp tay gạch bỏ các nội dung có thể đưa SCB vào diện bị kiểm soát đặc biệt, báo cáo theo hướng giảm nhẹ cho SCB đủ điều kiện để tiếp tục đề xuất cho SCB được thực hiện tái cơ cấu.

Trong quá trình thanh tra tại SCB đợt 2, Nhàn gặp Trương Mỹ Lan tại khách sạn Daewoo, trao đổi về việc tiếp tục thanh tra, về sai phạm của 71 khách hàng cùng địa chỉ. Lời khai của Đỗ Thị Nhàn cho biết Lan tiếp tục nhờ Nhàn giúp đỡ tại điều kiện cho SCB. Lan có ý đưa tiền nhưng Nhàn chưa nhận.

Khoản tiền 5,2 triệu USD đã được đưa cho Nhàn qua nhiều giai đoạn. Lần đầu tiên là 200.000USD ngay tại văn phòng làm việc của Nhàn. Ba lần tiếp theo (có 1 lần mang 2 triệu USD và 2 lần mang mỗi lần 1 triệu USD), tiền được đưa đến tận nhà Nhàn ở Cầu Giấy. Các lần mang tiền đến nhà Nhàn đều đựng trong thùng xốp hoa quả. Mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, Nhàn hỏi là tiền gì, Võ Tấn Hoàng Văn trả lời là tiền Trương Mỹ Lan cảm ơn Nhàn vì đã hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra.

>>Cựu Cục trưởng NHNN nhận hối lộ 5 triệu USD, tiền xếp đầy trong thùng xốp

Số tiền này ban đầu Nhàn cất giữ tại nhà riêng, không dùng đến. Sau đó mãi đến khoảng tháng 12/2022 Nhàn chia số tiền này, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà vợ chồng Quang – Dũng (họ hàng) ở thành phố Nam Định. Số còn lại Nhàn cho vào thùng sắt khóa lại, mang sang nhà Đỗ Xuân Lộc (em trai cùng cha khác mẹ) cũng tại N03 Mandarin Trung Hòa Cầu Giấy, cất vào trong tủ phòng ngủ Lộc.

Lộc xác nhận việc Nhàn nhờ gửi thùng sắt, tự nguyện giao nộp, số tiền thu được 3 triệu USD.

Vợ chồng Quang - Thủy họ hàng cho biết tháng 11 đến tháng 12/2022 Nhàn đã 2 lần mang tiền gửi nhờ, một lần 1,4 triệu USD và 1 lần 1,2 triệu USD – và họ không biết về nguồn gốc số tiền. Sau đó ông Quang mượn Nhàn 1,4 triệu USD quy đổi ra VND để mua 1 mảnh đất và mở 10 thẻ tiết kiệm. Bà Thủy - ông Quang đã tự nguyên giao nộp 1,2 triệu USD, 10 thẻ tiết kiệm, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất nêu trên và 600.000 USD nộp thêm vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả cho Nhàn.

>>Bí ẩn dòng tiền 5,2 triệu USD do Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ vụ SCB: Tiền đã "đi" đến những đâu?

Liên quan hành vi đưa hối lộ, bị can Võ Tấn Hoàng Văn khai, trong quá trình thanh tra, nội dung sai phạm lớn nhất tại ngân hàng SCB là việc cho vay tín dụng với nhóm Trương Mỹ Lan. Các khoản vay này hồ sơ có nhiều vi phạm, số tiền lớn, nguy cơ không thu hồi được nợ…

Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phụng… có trao đổi với Văn về những sai phạm, nhắc tới việc phải đưa ngân hàng SCB vào diện bị kiểm soát đặc biệt, và đặt vấn đềgặp Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ.

Võ Tấn Hoàng Văn báo với Trương Mỹ Lan, và sắp xếp để Lan và Nhàn gặp nhau vào cuối tháng 10/2017.

Sau cuộc gặp, Võ Tấn Hoàng Văn được Lan nói là Nhàn yêu cầu Trương Mỹ Lan bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB tại các phương án, dự án tái cơ cấu có sai phạm, chủ động tất toán.

Nhàn nói “dọn sạch” dư nợ nhóm 71 khách hàng có cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai thì đoàn thanh tra sẽ không xem xét vi phạm về khoản vay, chỉ xử lý hành chính.

Đỗ Thị Nhàn cũng hướng dẫn Lan cho tất toán khoản vay của nhóm 71 khách hàng bằng việc hợp thức hồ sơ, cho khách hàng mới vay trả nợ của của nhóm 71 khách hàng này trước khi ra kết luận thanh tra.

Được chỉ đường, Lan chỉ đạo Văn cùng những người khác tất toán các khoản vay này thông qua việc dùng các công ty khác trong nhóm cho vay mới.

Đồng thời Trương Mỹ Lan giao cho Văn ra Hà Nội trình bày các nội dung với đoàn thanh tra và Nhàn. Bà Nhàn cũng đã “chỉ điểm” thêm những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng cho Văn biết. Trong đó nhắc nhở chú ý nhất là việc 71 khách hàng có cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai đang dư nợ lớn. Nhàn bàn với Văn về phương án khắc phục, tránh SCB bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt.

>>Video cận cảnh căn nhà HOT nhất vụ Vạn Thịnh Phát, nơi 84 khách hàng cùng địa chỉ nợ SCB 122.800 tỷ

Sau chuyến đi, Văn báo lại với bà Lan và sắp xếp để Lan ra Hà Nội gặp Nhàn. Kết quả buổi gặp là việc Nhàn chỉ điểm giúp Lan cách tháo gỡ vi phạm bằng cách thu hẹp vùng thanh tra, chỉ thanh tra khoản nợ của 71 khách hàng đến 30/6/2017.

Ngoài ra Nhàn chỉ cách tất toán khống các khoản này, để đoàn thanh tra không có căn cứ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Nhờ vậy khoản vay của 71 khách hàng sau đó đã được điều chỉnh giảm dư đến thời điểm 20/4/2018 về 0.

Về việc đưa hối lộ theo chỉ đạo của Lan, Văn đã nhiều lần đưa tiền cho Nhàn. Về nguồn tiền đưa hối lộ, Văn khẳng định do Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng lấy từ nguồn riêng, được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy (hợp thức bằng bút toán rút, nộp tiền, chuyển tiền) để rút ra, chuyển đổi thành USD.

Võ Tấn Hoàng Văn chính là người viết đơn tố giác tội phạm về hành vi nhận tiền của Đỗ Thị Nhàn.

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ tên người tố giác cựu Cục trưởng NHNN nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Ngoài Đỗ Thị Nhàn, đoàn thanh tra còn rất nhiều người đều nhiều lần nhận quà, tiền từ SCB. Phần lớn trong số đó đều thành khẩn khai nhận, tuy vậy vẫn có một số người không chịu thừa nhận việc nhận quà, tiền từ SCB.

Văn còn khai nhận là người trực tiếp đưa cho Nguyễn Văn Hưng tổng 390.000USD; đồng thời còn chỉ đạo nhân viên dưới quyền đưa tiền/quà bồi dưỡng cho các thành viên đoàn thanh tra. Nguyễn Văn Hưng khai, ngoài 390.000USD, còn nhận 36,5 triệu cổ phần từ Trương Mỹ Lan theo hình thức hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nhưng đến nay chưa chuyển tiền mua.

>>Vụ SCB: Ngoài Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD, những người khác trong đoàn thanh tra nhận được những gì?

Nguyễn Nam Tuấn, lái xe là người trực tiếp đến SCB Cầu Giấy để nhận các thùng xốp hoa quả và chở Võ Tấn Hoàng Văn đền nhà Đỗ Thị Nhàn. Tuấn không biết thùng xốp đựng tiền, chỉ được thông báo là thùng đựng hoa quả.

Nguyễn Phương Anh, Phó TGĐ Công ty Sài Gòn Peninsula được Trương Mỹ Lan giao theo dõi việc sử dụng, quản lý tiền, lập phương án vay vốn, lên sơ đồ dòng tiền.

Dữ liệu của Phương Anh ghi chép xác định: Tổng nợ gốc 88.150 tỷ đồng của nhóm 71 khách hàng cùng địa chỉ, được sử dụng hơn 60.000 tỷ đồng để trả nợ cho khoản vay cũ, 20.000 tỷ đồng rút cho bà Lan sử dụng.

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: 5,2 triệu USD tiền hối lộ "chạy" từ SCB Sài Gòn, "lượn phố" Hà Nội trong thùng xốp

Vụ Vạn Thịnh Phát: 5,2 triệu USD tiền hối lộ "chạy" từ SCB Sài Gòn, "lượn phố" Hà Nội trong thùng xốp

Người quản lý tài sản của bà Trương Mỹ Lan và chuyện ‘bước chân vào vòng xoáy’

Tòa nhà Times Square của chồng Trương Mỹ Lan được định giá bao nhiêu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-do-thi-nhan-chi-diem-cho-truong-my-lan-cach-thoat-nan-dot-thanh-tra-nhu-the-nao-213697.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đỗ Thị Nhàn "chỉ điểm" cho Trương Mỹ Lan cách thoát nạn đợt thanh tra như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH