Những con số 'biết nói' thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam và Australia
"Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Australia trong khu vực và tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Australia", đó là nhận định của bà Cecilia Brennan – Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Việt Nam là đối tác quan trọng của Australia
Phát biểu tại hội thảo “Chương trình hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật RT4D trong khuôn khổ hiệp định AANZFTA và RCEP: Thương mại khu vực vì phát triển”, bà Cecilia Brennan nhấn mạnh hai nước Việt Nam - Australia có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ thông qua nền tảng gia đình, kinh doanh, giáo dục và du lịch.
Bà Cecilia Brennan – Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Australia tại Việt Nam |
Theo đó, hơn 80.000 người Việt Nam đã và đang học tập tại Australia trong hơn 50 năm qua, trong đó có hơn 6.500 suất học bổng được trợ cấp từ Chính phủ Australia. Bên cạnh đó, hiện tại có hơn 300.000 người Australia gốc Việt và tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ năm ở xứ sở chuột túi.
Năm 2023 là năm có nhiều điểm nhấn trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền Australia David Hurley vào tháng 4/2023 và Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào tháng 6/2023. Những chuyến thăm đều mang ý nghĩa biểu tượng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời góp phần tăng cường gắn kết, củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia.
Qua mỗi chuyến thăm, hai nước đã nhấn mạnh tham vọng chung trong việc sớm nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện. Trọng tâm của nỗ lực này nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa Việt Nam - Australia, mối quan hệ đối tác đang trên một quỹ đạo tích cực và là nơi hai nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á của Australia từ nay đến năm 2040, được Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh tại Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 9/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Toàn quyền Australia David Hurley. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, chiến lược này sẽ cung cấp lộ trình thực tế cho chính phủ nước này nhằm đảm bảo Australia và các quốc gia Đông Nam Á phát huy tối đa tiềm năng của các mối quan hệ kinh tế. Đồng thời, nó cũng bao gồm Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam với các khuyến nghị phù hợp với quan hệ đối tác song phương giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Australia
Trong giai đoạn 2022-2023, thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều Australia - Việt Nam tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam được xếp hạng là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia.
Người tiêu dùng Australia vô cùng yêu thích các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, giày dép, đồ nội thất trong gia đình và sản xuất, mặt hàng công nghệ tại nơi làm việc của Việt Nam. Song song với đó, Australia hiện là nhà cung cấp đáng tin cậy các dịch vụ và nguyên liệu thô mà các nhà xuất khẩu của Việt Nam yêu cầu.
Tuy nhiên, sự hợp tác này có nhiều tiềm năng to lớn để đưa tiến xa hơn nữa.
Nhằm hiện thực hóa quyết tâm trên, Australia và Việt Nam đã cùng nhau triển khai Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế (EEES) do Thủ tướng hai nước công bố vào tháng 11/2021, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là trở thành 10 đối tác thương mại hàng đầu và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên chung bao gồm giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất, nền kinh tế kỹ thuật số, cải cách quy định và hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp.
Sau chương trình Hỗ trợ kĩ thuật ngành GTVT (Aus4Transport), Chính phủ Australia đang thiết kế Chương trình đối tác Việt Nam - Australia về tăng trưởng kinh tế (Aus4Growth), trong đó hỗ trợ Việt Nam về giao thông vận tải, logistics và hạ tầng. Chương trình dự kiến kéo dài 7 năm bắt đầu từ năm 2024 với ngân sách lên tới 90 triệu AUD. Qua đó, Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam thu hẹp khoảng cách về chính sách và thực tiễn, góp phần tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, năng lượng sạch, giao thông và tăng tốc kỹ thuật số.
Hợp tác kinh tế khu vực và đa phương
“Mối quan hệ đối tác kinh tế bền chặt giữa hai nước cũng dựa trên các hiệp định thương mại tự do mà cả Việt Nam và Australia đều là thành viên và sự hợp tác của chúng ta tại các diễn đàn khu vực và đa phương”, bà Cecilia Brennan cho hay.
Tháng 8/2023, Australia đã ký nâng cấp Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Hiệp định này được nâng cấp để đảm bảo phù hợp với mục tiêu và có khả năng ứng phó với các thách thức nổi lên trong tương lai. Việc nâng cấp cũng nhằm mục đích duy trì tiêu chuẩn cao, phù hợp với các doanh nghiệp, cho phép hiệp định đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng như ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu và khu vực.
Bên cạnh đó, Australia hoan nghênh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực và vui mừng được đồng chủ trì RCEP vào năm 2023, nhằm hỗ trợ tiến trình giải quyết các vấn đề quản trị quan trọng như thành lập Đơn vị hỗ trợ RCEP vào năm 2024.
Qua đó, Australia ghi nhận tầm quan trọng của một hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ dựa trên luật lệ, vai trò then chốt của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực và cùng nỗ lực hướng tới những mục tiêu chung.
46 triệu USD đến năm 2028 cho nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế
Với tầm nhìn đó, tháng 11/2020, Australia đã công bố sáng kiến Thương mại Khu vực vì Phát triển (RT4D) nhằm tiếp tục tăng cường hỗ trợ hợp tác kinh tế trong khuôn khổ các Hiệp định AANZFTA và RCEP. Bà Cecilia Brennan nhấn mạnh: “RT4D là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Australia, đó là lý do tại sao chúng tôi cung cấp 46 triệu USD tài trợ trực tiếp của Australia cho chương trình này”.
Chương trình RT4D có mục tiêu cao nhất là hỗ trợ các nước ASEAN với việc thực thi các cam kết nêu ra trong hai hiệp định thông qua việc thực thi chương trình hợp tác kinh tế hằng năm và qua đó, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong khu vực.
Cấu trúc RT4D |
RT4D sẽ cung cấp đội ngũ chuyên môn kỹ thuật đẳng cấp thế giới và xây dựng năng lực trên nhiều lĩnh vực chính sách thương mại kỹ thuật, giúp các nước trong khu vực nhận ra đầy đủ các lợi ích của hai hiệp định AANZFTA và RCEP.
Chương trình hoạt động trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Ngoài ra, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ cho các nền kinh tế kém phát triển nhất trong ASEAN để đảm bảo chương trình này đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong ASEAN và giúp tăng cường năng lực của khối.
Cơ cấu quản trị của RT4D |
Được biết, Australia sẽ phân bổ thêm 5 triệu AUD để tài trợ cho Vườn ươm Thương mại và Bình đẳng giới, nhằm giúp thực thi cam kết ‘triển khai có trách nhiệm bình đẳng Giới’ được đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Bên cạnh đó, chương trình RT4D cũng được New Zealand hỗ trợ với số tiền đóng góp lên tới 2,6 triệu NZD.
Chương trình RT4D là một trong những cách thức thiết thực nhất để thúc đẩy tiềm năng to lớn cho mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Australia tiến xa hơn nữa trong tương lai. Đồng thời, Australia cam kết hợp tác với Việt Nam vì sự phát triển và thịnh vượng chung của cả hai nước và khu vực.