Những lưu ý tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch nhà đất
Khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc lưu ý những điều sau giúp người dân tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc.
1. Kiểm tra điều kiện để sang tên mảnh đất
Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, để mảnh đất đủ điều kiện chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Kiểm tra điều kiện để sang tên mảnh đất khi thực hiện giao dịch. Ảnh minh họa |
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy chứng nhận liên quan như quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất. Một số trường hợp ngoại lệ không cần giấy chứng nhận, bao gồm: thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư, và các trường hợp theo khoản 7 Điều 124, điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024.
- Đất không có tranh chấp, hoặc tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo pháp luật thi hành án dân sự.
- Đất nằm trong thời hạn sử dụng.
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Lưu ý: Ngoài các điều kiện trên, một số trường hợp cụ thể có thể yêu cầu bổ sung thêm điều kiện đối với bên chuyển nhượng hoặc tặng cho.
> > Từ bây giờ, sang tên nhà ở xã hội phải đóng những loại thuế, phí nào?
2. Xác minh thông tin bên bán đất
Trước khi thực hiện giao dịch, cần xác minh mảnh đất không có tranh chấp và người bán có toàn quyền chuyển nhượng hoặc có sự đồng ý của những người sử dụng chung mảnh đất. Cụ thể:
- Người chuyển nhượng phải là người đứng tên trên sổ đỏ hoặc được thừa ủy quyền hợp pháp.
- Nếu đất là tài sản chung của vợ chồng, việc chuyển nhượng cần có sự đồng ý của cả hai.
- Nếu sổ đỏ đứng tên nhiều người, cần có sự đồng thuận của tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong hợp đồng chuyển nhượng.
3. Kiểm tra giấy tờ pháp lý của mảnh đất
Kiểm tra giấy tờ pháp lý của mảnh đất. Ảnh minh họa |
Theo Điều 45 Luật Đất đai 2024, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất yêu cầu phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ hoặc sổ hồng) hoặc các giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất hợp lệ.
4. Chú ý hợp đồng đặt cọc khi mua đất
Khi thửa đất bạn mua đang thuộc vị trí “vàng” và thể giá trị sẽ tăng cao trong thời gian tới, để tránh việc bị đôn giá bởi các đối thủ cạnh tranh khác thì nhà đầu tư có thể thỏa thuận lập hợp đồng đặt cọc mua đất.
Để tránh mất tiền đặt cọc thì người mua đất cần nắm rõ và thỏa thuận quy định đặt cọc theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
- Nếu bên đặt cọc (bên mua) từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
- Nếu bên nhận đặt cọc (bên bán) từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Sau khi mua đất phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng
Để tránh xảy ra tranh chấp với bên chuyển nhượng QSDĐ thì sau khi giao kết hợp đồng mua bán đất thì các bên phải đến văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng.
Điều này nhằm giúp bên thứ ba (văn phòng công chứng) đứng ra xác thực hợp đồng đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật, đồng thời cũng là bên đứng ra làm chứng khi có tranh chấp về sau.