Chứng khoán châu Á khởi sắc trên diện rộng, dẫn đầu là đà tăng ở Nhật Bản sau khi chỉ số S&P 500 của Mỹ đạt kỷ lục mới và tiêu dùng của Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện.
Theo Bloomberg, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,7%, tiến gần hơn đến mức đỉnh lịch sử đạt được vào năm 1989.
Nhiều công ty công nghệ dẫn đầu mức tăng trưởng cổ phiếu sau khi nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Mỹ Apply Materials đưa ra dự báo doanh thu tích cực.
Trong khi đó, chỉ số theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã tăng 2%, thúc đẩy chứng khoán khu vực hướng tới mức tăng hàng tuần tốt nhất trong năm nay.
Chỉ số S&P 500 vọt lên mốc 5.030 điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu ngân hàng và công ty năng lượng.
Hiroshi Matsumoto, nhà quản lý danh mục khách hàng cấp cao tại Pictet Asset Management, bình luận: “Tốc độ tăng trưởng của Nikkei là một điều bất ngờ, vượt xa sự tưởng tượng của tôi. Yếu tố chính thúc đẩy thị trường là cơ chế chuyển đổi giá cả. Các công ty giờ đây đã có thể tăng giá hợp lý khi Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát và hiệu suất tài chính cũng đang được cải thiện”.
Nikkei 225 chuẩn bị bù đắp toàn bộ khoản lỗ từ mức đỉnh năm 1989. Ảnh: Bloomberg |
Trong khi đó, mức tăng của chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) diễn ra trong bối cảnh nhu cầu du lịch hồi phục trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Đây là một số dấu hiệu cho thấy sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải vật lộn với tình trạng niềm tin thấp và giảm phát.
Helen Zhu, Giám đốc đầu tư tại Nan Fung Trinity HK, chia sẻ: “Chúng tôi thấy một số triển vọng và hy vọng trong vài năm tới, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc chắc chắn đang trên con đường phục hồi”.
Trên thị trường châu Á, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng nhẹ sau khi giảm vào hôm 15/2, trong bối cảnh Fed cân nhắc kỹ cho đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Bất chấp mức tăng lớn ở Mỹ, Phố Wall vẫn thận trọng trước số liệu về lạm phát, nhằm xác định các bước tiếp theo của Fed trong quá trình điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chứng khoán châu Á hướng tới mức tăng hàng tuần tốt nhất trong một năm. Nguồn: Bloomberg |
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic lưu ý rằng không cần phải vội cắt giảm lãi suất khi thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh mẽ.
Doanh số bán lẻ giảm cũng giúp xoa dịu nỗi lo lắng của các nhà đầu tư về nhu cầu tiêu dùng tăng “quá nóng”, đặc biệt là sau những diễn biến gây căng thẳng từ báo cáo lạm phát cao vào đầu tuần.
Trong nhiều tháng qua, nhà đầu tư đã phải đối mặt với những mâu thuẫn của diễn biến kinh tế.
Một mặt, tiến trình hướng tới lạm phát thấp hơn đã củng cố quan điểm rằng Fed có thể hạ lãi suất từ mức cao nhất trong nhiều năm để tránh đẩy Mỹ vào suy thoái. Nhưng đồng thời, nền kinh tế lại vượt trội so với kỳ vọng, tạo điều kiện cho Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
>> Đồng yên lao dốc giúp TTCK Nhật Bản trở thành quán quân tăng giá năm 2023