Trên toàn cầu, làn sóng AI đang thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào các thiết bị sản xuất chip, giúp tăng giá cổ phiếu của các công ty liên quan đến chip và AI.
Vốn hóa thị trường của Tokyo Electron, một nhà sản xuất chip đến từ Nhật Bản, đã tăng hơn 12 tỷ USD chỉ trong 1 ngày, đạt mức cao kỷ lục nhờ doanh số bán hàng sang Trung Quốc tăng đột biến.
Bloomberg đưa tin cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị chip đã tăng 13%, đạt mức định giá 15,9 nghìn tỷ yên (106 tỷ USD) với mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử.
Mức tăng xuất hiện sau khi công ty nâng dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm tài khoá tính đến tháng 3/2024 sẽ tăng thêm 11%, lên 445 tỷ yên (2,9 tỷ USD). Điều này vượt qua ước tính của các nhà phân tích. Quý trước, Trung Quốc chiếm đến 46,9% doanh số bán hàng của công ty.
Nhu cầu đang tăng mạnh do các liên doanh bán dẫn Trung Quốc mua lại thiết bị cũ của công ty Nhật Bản. Những biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ đã ngăn cản họ có được những con chip tốt nhất cho các dự án phát triển AI.
Cổ phiếu của Tokyo Electron tăng vọt. Nguồn: Bloomberg |
Tokyo Electron kỳ vọng khoản đầu tư từ các nhà sản xuất DRAM sẽ phục hồi trong năm nay. Giá cổ phiếu của 2 đối tác của họ, Samsung Electronics (Hàn Quốc) và SK Hynix, cũng tăng nhờ niềm tin vào triển vọng tươi sáng khi nhu cầu về AI ngày càng cao.
Amir Anvarzadeh, đến từ công ty tư vấn vốn Nhật Bản Asymetic Advisors, cho biết: “Chúng ta đã bước vào giai đoạn điên cuồng mua sắm bất kỳ thứ gì liên quan đến công nghệ”.
Nhiều chuyên gia nhận định sự bùng nổ của Tokyo Electron đến sau khi giá cổ phiếu của nhà thiết kế chip Arm Holdings tăng gần gấp đôi nhờ doanh thu tốt hơn mong đợi và sự tăng đột biến liên quan đến cổ phiếu của công ty mẹ SoftBank Group.
Tuy nhiên, Anvarzadeh lưu ý do Trung Quốc hiện là nguồn mua lớn nhất của Tokyo Electron, những rủi ro lớn đang bị lờ đi.
Tokyo Electron đang phụ thuộc vào Trung Quốc để đạt gần một nửa tổng doanh số bán hàng. Nguồn: Bloomberg |
Trong khi đó, phía công ty lại có cái nhìn lạc quan hơn. Phó Tổng Giám đốc Hiroshi Kawamoto trong cuộc họp báo cáo thu nhập tuần trước đã tuyên bố: “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc sẽ tiếp tục hoặc tăng mạnh hơn nữa. Chúng tôi cũng hy vọng đà tăng trưởng sẽ được duy trì cho đến năm 2025”.
Hiện tại, Trung Quốc chỉ tự sản xuất một tỷ lệ nhỏ trong tổng số chip mà họ cần và Kawamoto nhận thấy nước này đang đầu tư mạnh mẽ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
>> Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc "bốc hơi" 80% lợi nhuận vì dư thừa chip
Quyết 'đấu' với Mỹ, Trung Quốc chi gần 40 tỷ USD mua thiết bị sản xuất chip trong năm ngoái
Quốc gia châu Á chuẩn bị xây dựng trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới trị giá 473 tỷ USD