Nợ xấu tăng - Góc nhìn đầu tư từ Dragon Capital

18-12-2021 16:39|Minh Khuê

Trong talkshow được tổ chức vào ngày 16/12, đại diện Dragon Capital cho rằng, ở góc độ đầu tư cơ bản, vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng không tệ như mọi người vẫn nghĩ.

Nợ xấu tăng mạnh

Trong báo cáo cập nhật ngành mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ có sự cải thiện trong quý IV/2021 và đạt ít nhất 12% cho cả năm 2021. Tuy vậy, chất lượng tài sản mới là vấn đề đáng lo ngại lúc này của các ngân hàng.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình đã tăng lên 1,64% vào cuối quý III/2021 trong khi tỷ lệ này hồi cuối quý II/2021 là 1,49%.

Tính đến hết quý III/2021, dư nợ xấu của 28 ngân hàng khảo sát đã tăng 18.727 tỷ đồng, tương đương tăng 19,1% so với hồi cuối năm 2020.

Xét về quy mô dư nợ, các ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý III/2021 bao gồm BIDV, VietinBank, VPBank, Vietcombank và SHB trong đó BIDV đang đứng đầu với dư nợ xấu gần 21.433 tỷ đồng - tăng nhẹ 0,3% so với thời điểm 31/12/2020. VietinBank tăng mạnh đến hơn 90% quy mô dư nợ xấu lên mức 18.097 tỷ đồng. Vị trí thứ ba thuộc về VPBank với 12.702 tỷ đồng nợ xấu - tăng 28% so với cuối năm 2020.

du-no-xau.png
Thống kê dư nợ xấu của các ngân hàng tính đến hết quý III/2021

Ngoài ra, do Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III nên chưa xác định được số dư nợ xấu của ngân hàng này. Tuy nhiên, nếu tạm tính theo số liệu đến ngày 30/6, Agribank có thể đứng đầu hệ thống về nợ cần chú ý với 37.151 tỷ đồng - tăng 24% so với cuối năm 2020 và chiếm 3% tổng dư nợ cho vay.

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết nguyên nhân khiến nợ xấu tăng nhanh một phần là do khả năng trả nợ của khách hàng đang bị suy yếu vì dịch COVID-19, một phần cũng bởi công tác xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, các tổ chức tín dụng và công ty quản lý tài sản không thể gặp trực tiếp khách hàng nên hoạt động thu hồi nợ, đấu giá tài sản, thi hành án… đều rất khó khăn.

Ảnh hưởng của nợ xấu đến quyết định của nhà đầu tư

Tại Talkshow “Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng”, bà Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc Bộ phận phân tích Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng, ở góc độ đầu tư cơ bản và giá trị, vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng không tệ như mọi người vẫn nghĩ.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã tăng từ 1,6% lên 1,9%. Với bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bà Dương nhận định đà tăng này vẫn trong tầm kiểm soát. Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu là 2,6% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn nhiều so với mức 3,9% cuối năm 2020.

Thêm nữa, các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã tích cực trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục và trung bình cao trong khu vực. Điển hình, tại một số ngân hàng top đầu còn lên trên 200%.

Theo quan điểm của Phó Giám đốc Bộ phận phân tích Quỹ Đầu tư Dragon Capital, nếu không xảy ra giãn cách diện rộng nữa thì nợ xấu khó ảnh hưởng tới bức tranh lợi nhuận năm 2022.

Quý II ít vui của cổ đông Chứng khoán VNDirect

Một tuần đáng quên của VNDirect: Nhận diện 3 diễn biến nổi bật

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-xau-tang-goc-nhin-dau-tu-tu-dragon-capital-130565.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nợ xấu tăng - Góc nhìn đầu tư từ Dragon Capital
    POWERED BY ONECMS & INTECH