Doanh nghiệp

Nữ CEO gọi vốn cho startup đồ thể thao, được 3 cá mập săn đón, Shark Bình vội sửa deal

Hải Đường 13/08/2024 - 22:07

Tầm nhìn của startup là trở thành doanh nghiệp cung cấp trang phục thi đấu thể thao hàng đầu Việt Nam, với mục tiêu doanh thu đạt 200 tỷ đồng vào năm 2025.

Riki Sport, một thương hiệu trang phục thể thao mới nổi, đã bước vào chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 với mong muốn vượt qua giới hạn của mình để trở thành đơn vị tiên phong trong ngành trang phục thể thao tại Việt Nam. Với lời gọi vốn 15 tỷ đồng cho 10% cổ phần, Riki Sport đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các Shark.

CEO Vũ Như Yến của Riki Sport, chia sẻ rằng “Trước năm 2019, thị trường đồ thi đấu bóng đá hoàn toàn không có khái niệm thương hiệu Việt. Tuy nhiên, ngày nay hơn 95% sản phẩm thấy trên sân cỏ mang thương hiệu Việt, điển hình như Riki, chúng tôi đã góp phần làm thay đổi thói quen người tiêu dùng với bộ môn thi đấu bóng đá”.

Nữ CEO gọi vốn cho startup đồ thể thao, được 3 cá mập săn đón, Shark Bình vội sửa deal
CEO Vũ Như Yến của Riki Sport

Tầm nhìn của Riki Sport là trở thành doanh nghiệp cung cấp trang phục thi đấu thể thao hàng đầu Việt Nam, với mục tiêu doanh thu đạt 200 tỷ đồng vào năm 2025 và 300 tỷ đồng vào năm 2026, cùng tỷ suất biên lợi nhuận đạt trên 17%. Như Yến cho biết Riki Sport hoàn toàn tự tin với mục tiêu này nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trang phục thể thao và gần 10 năm kinh nghiệm sản xuất.

Riki Sport đã xây dựng một quy trình sản xuất khép kín, ngoại trừ khâu may gia công được thực hiện bởi các hộ kinh doanh để giảm giá thành. Các sản phẩm của Riki Sport hiện được phân phối qua kênh B2B với 6 nhà phân phối, trong đó có một nhà phân phối ở miền Bắc và bốn nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Riki Sport cũng tự quản lý một kho tổng và tiến hành bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử.

Trong quá trình gọi vốn, Shark Hưng đã đặt câu hỏi về điểm khác biệt của Riki Sport so với các đối thủ khác trên thị trường. Nữ CEO giải thích rằng Riki Sport chỉ tập trung vào trang phục thi đấu thể thao, điều mà ít thương hiệu Việt Nam hiện nay làm được. Ngoài ra, sản phẩm của Riki Sport còn chú trọng đến tính năng, tạo nên sự cạnh tranh độc đáo.

>> Startup tương ớt tự tin là đối thủ của Sriracha, xuất khẩu đến 9 quốc gia khiến 'bộ đôi cá mập' điều chỉnh offer liên tục

Shark Thái nhận định rằng trong ngành may mặc, việc đầu tư quá nhiều vào sản xuất và nhà xưởng chưa hẳn là cách tiếp cận tối ưu. Shark Thái đề xuất rằng Riki Sport nên tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và mở rộng mô hình gia công. Ông đã đưa ra đề nghị đầu tư 15 tỷ đồng cho 30% cổ phần và cam kết chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu.

Shark Minh Beta lại bày tỏ lo ngại về khả năng mở rộng quy mô của Riki Sport và quyết định không đầu tư. Cùng quan điểm, Shark Phi Vân cũng từ chối đầu tư vì cho rằng startup này vẫn tập trung quá nhiều vào sản xuất truyền thống.

Nữ CEO gọi vốn cho startup đồ thể thao, được 3 cá mập săn đón, Shark Bình vội sửa deal
Riki Sport chỉ tập trung vào trang phục thi đấu thể thao, điều mà ít thương hiệu Việt Nam hiện nay làm được

Shark Bình, với kiến thức sâu rộng về thị trường sản xuất và phân phối, đã nhận ra tiềm năng của Riki Sport và đề xuất startup nên dần chuyển đổi mô hình kinh doanh sang D2C (bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng). Ông cũng đưa ra đề nghị đầu tư 15 tỷ đồng cho 25% cổ phần và hỗ trợ Riki Sport phát triển kênh D2C thông qua hệ sinh thái Next Commerce của Tập đoàn NextTech.

Shark Hưng đề nghị hỗ trợ startup ngoài vốn bằng cách giúp sản phẩm của họ thâm nhập thị trường châu Âu và hỗ trợ chiến lược định vị thương hiệu. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn tin tưởng vào các con số mà startup đưa ra, nên đưa ra deal 15 tỷ đồng cho 15% cổ phần kèm điều kiện: Nếu Riki Sport không đạt KPI về doanh thu và lợi nhuận vào năm 2026, họ phải mua lại cổ phần với lợi nhuận lũy kế gấp 3,5 lần lãi suất cơ bản. Nếu đạt KPI, họ được mua lại cổ phần với lợi nhuận lũy kế gấp 1,9 lần.

Nhận thấy startup bối rối trước lời đề nghị của các Shark, Shark Bình gợi ý startup hãy nghĩ về chiến lược tương lai, 5 năm nữa thì Riki Sport ở đâu, thương hiệu như thế nào. Trả lời câu hỏi này, CEO Vũ Như Yến cho biết: “Mục tiêu ngắn hạn của em đến hết năm 2025 sẽ phủ rộng danh mục sản phẩm mà thị trường Việt Nam đang phát triển như môn cầu lông, môn pickleball... Song song đó, phát triển nhánh hàng riêng để xâm nhập thị trường bán lẻ và từ đó định vị thương hiệu nhiều hơn trên thương mại điện tử, và sự lan tỏa này sẽ thúc đẩy ngược lại kênh đại lý phát triển. Về lâu dài, sẽ phát triển song song 2 kênh”.

Định hướng này hoàn toàn "tâm đầu ý hợp" với Shark Bình nên Chủ tịch NextTech nhanh chóng điều chỉnh đề nghị xuống còn 15 tỷ đồng cho 15% cổ phần, đồng thời yêu cầu startup dành 1/3 nguồn lực để phát triển kênh D2C.

Cuối cùng, sau khi thảo luận với đồng sáng lập, Riki Sport đã quyết định chốt deal với Shark Bình, khép lại một thương vụ gọi vốn thành công.

>> Shark Minh Beta và Shark Bình đạt thoả thuận đầu tư với startup Kalotoys chỉ sau 1 tuần phát sóng

Vì sao 174 thương vụ lên Shark Tank được 'hứa' rót vốn nhưng các 'cá mập' chỉ giải ngân thực tế vào 60 startup?

'Nữ tướng' nhượng quyền và 'bà đỡ' thiên thần chuyên giúp các startup vượt qua 'thung lũng chết': 2 'cá mập' mới của Shark Tank mùa 7

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nu-ceo-goi-von-cho-startup-do-the-thao-duoc-3-ca-map-san-don-shark-binh-voi-sua-deal-245249.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nữ CEO gọi vốn cho startup đồ thể thao, được 3 cá mập săn đón, Shark Bình vội sửa deal
POWERED BY ONECMS & INTECH