Nước Đức ra sao sau khi chính phủ liên minh sụp đổ?
Sau khi cách chức Bộ trưởng Tài chính và khiến chính phủ liên minh sụp đổ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã vạch ra mốc thời gian tổ chức một cuộc bầu cử liên bang sớm.
Theo báo DW, việc Thủ tướng Olaf Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả cách chức lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) Christian Lindner khỏi vị trí Bộ trưởng Tài chính vào đêm muộn 6/10 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính phủ.
Hai trong số 3 bộ trưởng còn lại trong chính phủ liên bang, cũng thuộc đảng FDP, đã quyết định đi theo lãnh đạo đảng của mình và đệ đơn từ chức. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Volker Wissing tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị và rời khỏi FDP.
Với các diễn biến trên, thỏa thuận liên minh giữa SPD, đảng Xanh và FDP chính thức sụp đổ. Một lộ trình mới đang được định hình, chỉ ra cách Đức có thể tìm lại một chính phủ ổn định.
Trong những tuần tới, hai đối tác còn lại trong liên minh, SPD của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh bảo vệ môi trường, có kế hoạch tiếp tục điều hành một chính phủ thiểu số và kết thúc những công việc chưa hoàn tất.
Ông Scholz đã đề cập tới việc thông qua một gói lương hưu trong khuôn khổ luật tị nạn mới của Liên minh châu Âu (EU) và gói viện trợ lớn để thúc đẩy nền kinh tế gặp khó khăn của Đức. Điều ông không đề cập đến là ngân sách bổ sung cho năm hiện tại. Nếu không có ngân sách này, chính phủ thiểu số sẽ có ít không gian để xoay xở hơn. Hiện chưa rõ Thủ tướng có thể nhận được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội để thông qua ngân sách hay không.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ đối lập muốn thấy một cuộc bầu cử bất ngờ được tiến hành sớm. Thủ tướng Scholz muốn chờ tới khi Quốc hội họp lại vào đầu năm rồi mới tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo ý của nhà lãnh đạo này, cuộc bỏ phiếu có thể được tiến hành vào ngày 15/1.
Trong trường hợp đa số nghị sĩ không ủng hộ Thủ tướng, điều này sẽ mở đường cho một cuộc bầu cử bất ngờ. Đây sẽ là lần thứ 6 trong lịch sử Đức, một thủ tướng phải kêu gọi sự ủng hộ của Quốc hội.
Nếu chỉ một số ít nghị sĩ ủng hộ Thủ tướng, nhóm đó sẽ phải đề xuất với Tổng thống liên bang giải tán Quốc hội. Nếu nguyên thủ quốc gia cũng không thấy triển vọng khả thi nào cho một chính phủ ổn định trong hoàn cảnh hiện tại, ông có 21 ngày để giải tán Quốc hội và mở đường cho một cuộc bầu cử sớm. Hôm qua, Tổng thống Frank Walter Steinmeier tuyên bố ông đã chuẩn bị cho việc giải tán cơ quan lập pháp.
Nếu các sự kiện tiếp tục diễn ra theo mốc thời gian mà ông Scholz mong muốn, người Đức sẽ bầu ra Quốc hội mới vào tháng 3/2025. Trong trường hợp ông Steinmeier bãi nhiệm Quốc hội cùng ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, thì ngày muộn nhất có thể tổ chức bầu cử sẽ là 16/3/2025.
Dù theo cách nào thì chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan. Các đảng kỳ vọng một cuộc tổng tuyển cử theo lịch trình sẽ được tổ chức vào 28/9/2025. Bây giờ, họ sẽ phải chạy đua để đề cử các ứng cử viên dẫn đầu và lập danh sách đảng cấp tiểu bang.