Ôm về 5,7 tỷ USD và bài hát ‘Rock Hạt gạo’
Không chỉ là câu chuyện bán giá cao để ôm về 5,7 tỷ USD, thế giới nhìn hạt gạo Việt Nam khác đi, nhờ đó thu nhập của bà con cũng khác. Nó giống như cách nhìn của các bạn trẻ qua bài hát 'Rock Hạt gạo'.
LTS: 2024 là năm ‘bội thu’ với ngành nông nghiệp Việt Nam. Rất nhiều ngành hàng truyền thống lấy lại vị thế, thu về số ngoại tệ kỷ lục lịch sử. Người nông dân nhiều nơi nhờ vậy đã đổi đời. Bên cạnh đó, có những ngành mới cũng đứng trước triển vọng sáng để tăng tốc.
Cùng VietNamNet nhìn lại bức tranh tươi sáng của ngành nông nghiệp Việt năm qua với niềm tin về một năm 2025 bứt phá qua tuyến bài ‘Đường đến những kỷ lục của nông sản Việt’.
Gạo Việt đã 'đổi vận'
Khép lại năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 5,7 tỷ USD. So với năm ngoái, xuất khẩu gạo chỉ tăng 11% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21,2%.
Theo đó, ngành gạo của nước ta lập kỷ lục lịch sử cả về sản lượng lẫn giá trị; đồng thời giữ vững vị trí cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ (17 triệu tấn) và Thái Lan (9,3 triệu tấn).
Việt Nam là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước. Từ những đỉnh núi cao chót vót trên Tây Bắc đến những đồng bằng phì nhiêu, gần như chỗ nào người Việt cũng có thể trồng lúa, tạo ra hạt gạo trắng ngần, thơm tho và giàu dưỡng chất.
Từ quốc gia đói ăn, năm 1989 lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, thu về 322 triệu USD. Trong năm kế tiếp, ngành lúa gạo đánh dấu cột mốc lịch sử khi kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỷ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn. Việt Nam chính thức trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Giai đoạn 2000 đến nay, kim ngạch xuất khẩu gạo luôn theo chiều hướng tăng, lần lượt vượt qua mốc 2 tỷ USD, 3 tỷ USD, 4 tỷ USD và năm 2024 đạt 5,7 tỷ USD, trở thành ngành hàng có kim ngạch cao thứ 4 ở lĩnh vực nông nghiệp.
Không chỉ vậy, sau nhiều năm gạo Việt Nam luôn bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, bán giá rẻ thì 2 năm trở lại đây giá đã dần cải thiện, liên tục vươn lên vị trí quốc gia có giá xuất khẩu đắt đỏ nhất nhờ chất lượng gạo được nâng cao.
Đỉnh điểm, trong cơn sốt giá gạo trên toàn cầu vừa qua, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này của Việt Nam còn vọt lên 663 USD/tấn, đắt hơn 100 USD/tấn so với các quốc gia khác.
Tại một số thị trường, giá gạo xuất khẩu trung bình năm 2024 của nước ta cao chót vót, như ở Brunei lên tới 959 USD/tấn, Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn... Một số công ty xuất khẩu gạo sang Đức với giá lên tới 1.800 USD/tấn, sang Nhật Bản giá 1.200 USD/tấn.
Hạt gạo Việt được “đổi vận” là bởi các giống lúa được cải tiến dần, không chỉ cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn (90-105 ngày) mà chất lượng còn vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Đây cũng chính là lý do rất nhiều nông dân ở Campuchia đã chuyển đổi sản xuất từ các giống lúa địa phương sang những giống lúa thơm đặc sản, nổi tiếng của Việt Nam như OM 5451, ST và Đài Thơm 8 vì hiệu quả kinh tế cao hơn. Nông dân Thái Lan cũng đang đua trồng.
Gạo Việt giờ đây không chỉ bán cho nước nghèo mà dần tiến vào thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... Những túi gạo in thương hiệu “Vietnam Rice” tự tin hiện diện trên quầy kệ của các chuỗi siêu thị lớn toàn cầu.
Hạt gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới, vào thực đơn của chính khách, là sự lựa chọn của các đầu bếp nổi tiếng. Năm 2019 và 2023, gạo ST25 của Việt Nam vượt qua các đối thủ đến từ 10 quốc gia trồng lúa lớn để được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”.
Làm hàng chất lượng cao và đa giá trị
Đầu năm 2025, trong một cuộc trò chuyện với báo chí, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã bật bài hát “Rock Hạt gạo” với giai điệu vang lên mới lạ, khỏe khoắn và hiện đại:
Lên thân xong rồi lên hoa/Hạt gạo nuôi bao nhiêu anh em dần khôn lớn
Nên thân xong rồi nên hoa/Người Việt thêu nên gấm hoa...
“Rock Hạt gạo” khác với “Hát về cây lúa hôm nay”, khác với hình ảnh cây lúa, hạt gạo thân thuộc đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần qua từng làn điệu dân ca, câu hò, điệu ví...
Với biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng, chúng ta cũng cần có cái nhìn khác mới mẻ hơn về cây lúa, hạt gạo. Trồng lúa không chỉ bán hạt gạo, nếu tích hợp đa giá trị, từ những điều bình dị nhất, một hạt gạo nhỏ cũng có thể tạo nên “gấm hoa” vô giá, vô cùng, vô tận.
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" không phải đơn thuần là khoanh vùng làm hàng chất lượng cao. Đây chính là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng mới trong sản xuất, để chứng minh cách Việt Nam tạo ra hạt gạo có chất lượng thơm ngon, minh bạch và trách nhiệm.
Hơn nửa, ở đó người nông dân có thể trồng lúa giảm phát thải rồi bán tín chỉ carbon.
Nửa cuối năm 2024, Bộ NN-PTNT và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi đã có nhiều họp bàn để thống nhất cách thức chuẩn bị triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính hỗ trợ đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Sau khi thống nhất, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD và có thể tăng lên đến 40 triệu USD. Số tiền này sẽ được chi trả cho nông dân trồng lúa giảm phát thải.
Một số vùng trồng lúa giảm phát thải đã được doanh nghiệp hỗ trợ khoản tiền 20 USD/tấn carbon. Có hộ dân thu được tới vài chục triệu đồng nhờ sản xuất trên quy mô lớn.
Song, bên cạnh giá trị tín chỉ carbon, lợi ích của đề án này mang lại rất lớn, hữu ích hơn cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Rơm rạ làm viên nén, làm chế phẩm cho ruộng vụ sau, nông dân có thể tiết kiệm chi phí đầu vào trong khi giá bán đầu ra tăng. Việt Nam có thể tự tin đem thương hiệu “hạt gạo xanh” thơm ngon, tròn đầy ra thị trường thế giới.
Từ hạt gạo có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm để gia tăng giá trị. Thậm chí, ngay cả những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những ruộng lúa bậc thang tầng tầng lớp lớp cũng sẽ giúp bà con nông dân “hái ra tiền” khi kết hợp du lịch để bán cảnh quan.
Như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta cần nhanh nhạy để hội nhập. Nhưng để hội nhập tốt, trước hết cần xây dựng nền tảng bền chặt, chắt lọc những giá trị riêng biệt, nâng niu những điều bình dị, gần gũi. Nhìn hạt lúa gạo khác đi, thu nhập của bà con cũng khác đi.