Kiến thức

Phát hiện 2 loại thực phẩm chức năng chứa chất cấm độc hại

Võ Thu 29/04/2025 20:00

Hai mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen vừa bị phát hiện chứa chất cấm Sibutramine. Sản phẩm được ghi nhãn là hàng nhập khẩu, có nơi bán gần 900.000 đồng/hộp.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 29/4 cho biết vừa nhận được báo cáo của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát, phát hiện thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen chứa chất cấm Sibutramine.

Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold (số lô: 11 2023, ngày sản xuất 1/11/2023, hạn dùng 1/11/2026). Thương nhân nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa là Công ty Cổ phần EU YB, địa chỉ: Tổ 20, phường Minh Tân, TP Yên Bái.

Trên nhãn sản phẩm này ghi được sản xuất tại: Austin Biologic & Technology Limited Austin Road West Level 206, International Commerce Centre, Hong Kong.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Best Slim Collagen (số lô 29L367, hạn dùng tháng 1/2027). Thương nhân nhập khẩu, phân phối và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa là Công ty TNHH Thiết bị Y tế Hoa Anh Đào, địa chỉ: Xóm 4 thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Trên nhãn sản phẩm ghi xuất xứ từ Mỹ, sản xuất bởi: Arnet Pharmaceutical, 2525 Davie Road, Bldg 330. Davied, Florida 33317.

Trên các sàn thương mại điện tử, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold được quảng cáo giúp giảm cân an toàn, đốt cháy chất béo, giảm cảm giác thèm ăn. Sản phẩm được rao bán với giá từ 400.000 - 550.000 đồng/hộp 30 viên.

Trong khi đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Best Slim Collagen được giới thiệu tương tự, giá bán cao hơn, có nơi bán tới 900.000 đồng/hộp 40 viên.

Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chất Sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, cấu trúc phân tử của Sibutramine giống với ma túy Amphetamine, rất nguy hiểm.

Tại Việt Nam, tháng 6/2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Năm 2011, Cục Quản lý dược cũng đã đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng đã rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.

Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm chức năng, các loại cà phê giảm cân… do chứa Sibutramine, đã có bệnh nhân bị hôn mê, co giật, tổn thương não.

Trung tâm từng tiếp nhận nữ bệnh nhân 21 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng bất tỉnh, tổn thương não nghiêm trọng, sau khi uống thuốc giảm cân mua trên TikTok, trên lọ thuốc có nội dung "7 ngày giảm 7kg" bằng tiếng Anh. Sau hơn 1 tháng uống liên tục mỗi ngày 1 viên, bệnh nhân giảm được 4-5kg tuy nhiên cuối cùng phải vào viện. Kết quả kiểm tra của Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia cho thấy trong thuốc giảm cân cô gái uống có thành phần Sibutramine.

>>16 ngày dồn dập phanh phui các vụ sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn

16 ngày dồn dập phanh phui các vụ sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn

Liên tiếp tại Thái Nguyên, Nghệ An: Phát hiện 600 loại thực phẩm chức năng, lượng lớn thịt gà và giò me không rõ nguồn gốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phat-hien-2-loai-thuc-pham-chuc-nang-nhap-khau-chua-chat-cam-doc-hai-2396498.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát hiện 2 loại thực phẩm chức năng chứa chất cấm độc hại
    POWERED BY ONECMS & INTECH