Phát hiện 200 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định tại huyện ven Hà Nội
Trong tháng 7/2023, Thanh tra Chính phủ đã tìm ra 3 vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại huyện Hoài Đức.
Thanh tra Chính phủ vừa có công văn Thông báo kết luận Thanh tra số 1564/TB-TTCP, chỉ ra hàng loạt vi phạm của UBND huyện Hoài Đức trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ năm 2017 đến tháng 10/2018.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc UBND huyện Hoài Đức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thị trấn Trạm Trôi và các xã: Đức Thượng, An Khánh, Kim Chung, Di Trạch (Thị trấn Trạm Trôi 86 Giấy chứng nhận; xã Đức Thượng 7 Giấy chứng nhận; xã An Khánh 35 Giấy chứng nhận; xã Kim Chung 13 Giấy chứng nhận, xã Di Trạch 59 Giấy chứng nhận). Kết luận, kiến nghị qua thanh tra như sau:
Thứ nhất, UBND huyện, các phòng chức năng liên quan, UBND các xã, thị trấn được thanh tra nêu trên còn để xảy ra một số vi phạm, hạn chế, nhất là tình trạng chậm thực hiện thủ tục hành chính trong việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 của UBND Thành phố Hà Nội và Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND Thành phố Hà Nội. Có những trường hợp để quá hạn thời gian dài, gây phiền hà cho người dân trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện không đúng quy định tại Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ như, việc yêu cầu UBND các xã lập tờ trình đề nghị UBND huyện cấp Giấy chứng nhận; Hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận do Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thẩm định xác định đủ điều kiện hay không đủ điều kiện; UBND huyện ban hành quyết định công nhận cấp giấy chứng nhận; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai lập tờ trình đề nghị UBND huyện ký giấy chứng nhận là đặt thêm các thủ tục không cần thiết, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận.
Thứ ba, bản sao Giấy chứng nhận để lưu hồ sơ chưa thực hiện sao y bản chính theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thông qua kết luận, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận tại Quyết định số 12/2017/QĐ-UB ngày 31/3/2017 của UBND TP Hà Nội để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Ngoài ra, yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức phải nghiêm túc kiểm điểm về những vi phạm, hạn chế nêu trên để chấn chỉnh; xác định cụ thể trách nhiệm của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị, cá nhân liên quan để kiểm điểm trách nhiệm và xử lý những trường hợp cố ý vi phạm, để kéo dài thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận mà không có lý do chính đáng, nhất là trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Kim Chung qua các thời kỳ; Kiểm tra, rà soát lại việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại Thị trấn Trạm Trôi (liên quan đến 58 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đã nêu ở phần kết quả thanh tra) để khắc phục những thiếu sót và xử lý nếu có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, UBND huyện Hoài Đức cũng cần hủy bỏ ngay những thủ tục, yêu cầu không cần thiết, không đúng quy định trong việc cấp Giấy chứng nhận để bảo đảm tiến độ giải quyết công việc, đồng thời tránh gây phiền hà cho người sử dụng đất; khắc phục việc sao lưu Giấy chứng nhận bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Cuối năm, đất nền một huyện sắp lên quận tăng giá 81%, rao bán trên 100 triệu đồng/m2
Nhiều huyện vùng ven Hà Nội sắp đấu giá đất, khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2