Bất động sản

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói gì về thiết kế nhà ga sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam?

Quốc Chiến 19/10/2024 11:00

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một công trình quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 18/10/2024, trong đó nêu rõ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về thiết kế nội thất Nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo Thông báo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một công trình quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Mục tiêu của dự án là biến Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực và quốc tế, đồng thời là một biểu tượng tiêu biểu của Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

>> Tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Trung du miền núi Bắc Bộ sẽ lên TP trực thuộc Trung ương ‘tung’ 400 căn NOXH ra thị trường

Về thiết kế nội thất, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị chủ đầu tư, phải chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình triển khai dự án, từ việc đề xuất chủ trương, lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến việc thiết kế kỹ thuật, kiến trúc và nội thất. Các hoạt động liên quan đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật.

Nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thiết kế với công suất phục vụ 25 triệu hành khách mỗi năm, bao gồm khu nhà ga trung tâm và ba cánh với tổng diện tích hơn 376.000m2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói gì về thiết kế nhà ga sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam?
Bối cảnh 3D dự án nhà ga sân bay Long Thành. Nguồn ảnh: Báo Lao động

Các hạng mục chính của công trình bao gồm khu vực làm thủ tục hàng không, bến đỗ, quầy gửi hành lý tự động cùng với các hệ thống xử lý hành lý, soi chiếu an ninh, thang cuốn, thang máy, và các lối đi bộ.

Về phương án thiết kế nội thất, Phó Thủ tướng yêu cầu ACV tiếp thu các ý kiến từ cuộc họp và hoàn thiện phương án theo các định hướng sau:

- ACV phải xác định rõ quan điểm, mục tiêu, triết lý và tư duy của phương án thiết kế nội thất để triển khai từ tổng thể đến chi tiết. Thiết kế cần đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, và xuyên suốt. Đồng thời, thiết kế nội thất phải thể hiện bản sắc dân tộc, sự hiện đại, và tính bền vững, phù hợp với xu hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đơn vị tư vấn phải xác định rõ ràng sản phẩm tư vấn về thiết kế kỹ thuật, kiến trúc và nội thất.

- Các kiến trúc sư cần nghiên cứu bố trí không gian, vật liệu, và màu sắc sao cho phù hợp với chức năng của từng khu vực như dịch vụ mua sắm, ẩm thực…

- Vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình phải được đánh giá về tính đồng nhất với thiết kế chung, đảm bảo sự bền vững và phù hợp với cấp độ của công trình.

- Đơn vị thiết kế cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các cơ quan chuyên môn để sử dụng cây xanh bản địa phù hợp với môi trường và cảnh quan nội thất.

- Tham khảo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong quá trình thiết kế nội thất.

- ACV phải thực hiện nghiêm túc, bài bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong các bước thiết kế, phê duyệt và đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn ACV thực hiện công tác thiết kế nội thất Nhà ga hành khách, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Trước đó, vào ngày 11/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để nghe báo cáo và cho ý kiến về phương án thiết kế nội thất Nhà ga hành khách. Phương án thiết kế nội thất được lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen cách điệu, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam, và được sử dụng xuyên suốt từ hình dáng ngoại thất đến nội thất khu vực sảnh làm thủ tục hàng không.

Dự án Sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

>> Sau dự án 7.000m2 tại TP. HCM, AEON Việt Nam chuẩn bị mở thêm địa điểm kinh doanh mới tại Hà Nội với quy mô 'khủng' hơn

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có thêm 8 sân bay

Lộ diện liên danh trúng gói thầu 2.880 tỷ thuộc dự án thành phần sân bay lớn nhất Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-noi-gi-ve-thiet-ke-nha-ga-san-bay-hon-16-ty-usd-lon-nhat-viet-nam-254631.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói gì về thiết kế nhà ga sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam?
POWERED BY ONECMS & INTECH