Phúc Long – từ quán trà chợ Bến Thành đến thương hiệu trăm triệu USD
Phúc Long đã âm thầm chinh phục thị trường F&B chỉ trong một thời gian ngắn.
Góp mặt trong “BIG 3” thương hiệu trà và cà phê Việt Nam cùng với các “ông lớn” Highlands Coffee và The Coffee House không thể không nhắc tới Phúc Long.
Phúc Long âm thầm chinh phục thị trường F&B
Thương hiệu trà, cà phê nổi tiếng Phúc Long được thành lập năm 1968 tại một cửa tiệm bán nguyên liệu trà và cà phê. Bên cạnh việc bán lá trà, hạt cà phê, quán có thêm thức uống - cà phê phin.
Đến năm 2000, công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Phúc Long chính thức được thành lập.
Năm 2007, Phúc Long đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trà tại Thái Nguyên và nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương. Từ đó, Phúc Long đã đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng phục vụ trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cũng từ đây, trà Phúc Long đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines,…
Năm 2018, nhà máy chế biến trà và cà phê thứ 2 của Phúc Long được xây dựng tại Bình Dương. Cùng với đó, hơn 40 cửa hàng được Phúc Long mở mới và khai trương.
Năm 2019, Phúc Long tiếp tục phát triển thêm 70 cửa hàng mới và mở rộng hệ thống trải dài từ Nam ra Bắc. Từ một cái tên nhỏ bé trên cao nguyên Bảo Lộc, Phúc Long đã tạo nên một trào lưu trong giới trẻ và khiến những tên tuổi lớn trong ngành F&B cũng phải dè chừng.
Tăng trưởng đột phá từ khi về một nhà với Masan
Tháng 01/8/2022, Masan đã chính thức sở hữu 85% vốn điều lệ của Phúc Long Heritage, đưa chuỗi đồ uống này trở thành công ty con hợp nhất trên báo cáo tài chính.
Với “bệ đỡ” từ phía “ông chủ” Masan, Phúc Long đang ngày càng phát triển hơn nữa trong vài năm gần đây.
Theo Masan, các cửa hàng Phúc Long Heritage (PLH) bên ngoài chuỗi cửa hàng/siêu thị WCM có doanh thu tăng trưởng khả quan, đạt 581 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ.
Điểm sáng của Phúc Long hoàn toàn dựa vào các cửa hàng flagship. Trong năm 2022, PLH đã khai trương 44 cửa hàng flagship, nâng số cửa hàng flagship đến cuối 2022 lên con số 132, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác.
Theo thống kê từ website Phúc Long ngày gần nhất, số lượng cửa hàng flagship của hệ thống trên cả nước đã vượt qua con số 150.
Trong báo cáo hồi quý I, Masan tự hào cho biết, các cửa hàng flagship của PLH đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất, với biên lợi nhuận EBITDA của cửa hàng và của công ty lần lượt là 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các công ty F&B hàng đầu thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm, biên EBITDA của hệ thống PLH đạt còn 16,3%.
Trong kế hoạch tối thiểu 3.000 tỷ lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số cho năm 2023 của Masan, chuỗi Phúc Long Heritage đang cùng hành động quyết liệt với các mảng kinh doanh khác của Masan.