PV Drilling (PVD) có thể báo lãi cao nhất 22 quý
Năm 2023, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã PVD - HoSE) báo lãi 546 tỷ đồng - cao nhất kể từ năm 2016.
Trong báo cáo dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2024, Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nhóm dầu khí thượng nguồn vẫn duy trì triển vọng tích cực.
Theo MBS, trong quý II, các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể tiếp tục duy trì trạng thái phân hóa lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu thượng nguồn có thể ghi nhận lợi nhuận tăng tốt so với cùng kỳ khi khối lượng công việc tăng.
Trong khi PVS có thể ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi thì lợi nhuận của PV Drilling (PVD) có thể sẽ không có nhiều đột biến so với quý trước khi giá thuê các giàn JU ổn định và chưa ghi nhận đóng góp của các giàn thuê mới.
Dù vậy, Chứng khoán MB vẫn kỳ vọng hoạt động dịch vụ kỹ thuật giếng khoan của PVD sẽ tăng trưởng khi một số mỏ dầu khí mới trong nước được triển khai.
Trong quý II/2024, giàn tự nâng của PVD là PVD Drilling III đã khoan thành công giếng Bunga Aster 1, phát hiện dầu khí tích cực. Mặt khác, công ty đã ký kết hợp đồng các dịch vụ đi kèm cho chương trình khoan và hoàn thiện các giếng phát triển mỏ Đại Hùng pha 3, Lô 05-1 (a).
Quý II/2024, MBS ước tính PVD đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 18% so với cùng kỳ - tương đương khoảng 190 tỷ đồng - một trong hai quý ghi nhận mức lãi cao nhất kể từ đầu năm 2019.
Cho cả năm 2024, ước tính công ty có thể đạt mức tăng trưởng 67% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2023, PVD báo lãi 546 tỷ đồng - cao nhất kể từ năm 2016.
Dù được đánh giá kinh doanh khả quan, tuy nhiên trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVD giảm 10,7% trong quý II. Mã vừa trải qua 3 tuần điều chỉnh liên tiếp và kết phiên 28/6 tại mức 28.800 đồng.
So với giá cao nhất ghi nhận trong quý II (34.900 đồng/cp phiên 2/4), cổ phiếu PVD hiện giảm 17,5% |
>> PV Drilling (PVD) thuê thêm giàn khoan để cung cấp cho thị trường nội địa