Quảng Trị bán tín chỉ carbon rừng, bà con chia nhau tiền tỷ
Tiền tín chỉ carbon về rồi. Đầu năm nay bà con được nhận, ai cũng mừng và phấn khởi”, ông Hồ Văn Chiến - một trong những người được chi trả tiền tín chỉ carbon rừng ở Quảng Trị chia sẻ sau chuyến đi tuần tra bảo vệ cánh rừng mà cộng đồng được giao.
Cứ giữ được rừng xanh là có tiền tín chỉ carbon
Năm nay 64 tuổi, ông Hồ Văn Chiến vẫn đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị), trực tiếp tham gia tuần tra giữ rừng. Công việc này ông cùng bà con trong thôn đã duy trì được 8 năm nay.
Ông kể, năm 2017, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh được thành lập. Các thành viên đều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Cộng đồng được giao quản lý và bảo vệ 600ha rừng tự nhiên ở gần khu dân cư.
Khi đó, mọi người tham gia đều trên tinh thần tự nguyện. Ban quản lý thành lập 6 tổ tuần tra, mỗi tổ 6-7 thành viên, trong đó có 5 tổ là nam và 1 tổ là phụ nữ. Mỗi tháng 1 tổ sẽ có 3 đợt đi tuần rừng theo các cung đường có sẵn. Khi phát hiện người lạ hoặc rừng có dấu hiệu bị xâm phạm, tổ tuần rừng sẽ ngăn chặn, đẩy đuổi, đồng thời trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Vì được bảo vệ nghiêm ngặt nên cánh rừng cộng đồng của thôn sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây rừng tự nhiên có đường kính lớn, nhiều loài thú quý có trong Sách Đỏ kéo về sinh sống.
“Thú thực, trước kia chúng tôi không hiểu gì về tín chỉ carbon cả. Được giao cho bảo vệ rừng thì bà con nhận và làm thôi”, ông nói. Mọi người đều hiểu, bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống cho mình và con cháu mai sau. Mãi đến cuối năm ngoái, ông Chiến mới biết giữ được rừng xanh là có tiền bán tín chỉ carbon. Ông cũng tham gia vài lớp tập huấn về rừng, về tín chỉ carbon rừng.
Tháng 2 vừa qua, cộng đồng thôn Chênh Vênh nhận được tiền chi trả bán tín carbon rồi chia luôn cho các hộ dân. Khoản tiền mỗi hộ nhận về tuy không nhiều nhưng ai cũng vui và phấn khởi, càng quyết tâm giữ rừng hơn, ông Chiến chia sẻ.
Nhờ làm tốt nhiệm vụ, thôn được tỉnh giao bảo vệ thêm 200ha rừng tự nhiên. Đến nay, tổng diện tích rừng nhận khoán của thôn đã lên tới gần 800ha.
Quảng Trị là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP năm 2022 của Chính phủ. Cuối năm ngoái, tỉnh thu về trên 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Người hưởng số tiền này là bà con ở các tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản và các chủ rừng…
Trung bình mỗi 1ha rừng tự nhiên sẽ được chi trả khoảng 120.000 đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon. Giai đoạn 2023-2025, Quảng Trị có hơn 126.000ha rừng tự nhiên, trong đó trên 20.000ha do các tổ bảo vệ rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ.
“Bán tín chỉ carbon, tiền tươi thóc thật đã về. Bà con nhận được tiền ai cũng phấn khởi. Có thêm tiền này chắc chắn người dân sẽ giữ rừng tốt hơn”, anh Hồ Văn Kiên - Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ruộng (Hướng Tân, Hướng Hoá) báo tin vui.
Gỗ rừng trồng có “chứng chỉ xanh”
Ngoài rừng tự nhiên, Quảng Trị còn có lợi thế bán tín chỉ carbon từ rừng trồng. Bởi, tỉnh đang có hơn 26 nghìn ha rừng trồng trong tổng số 121.400ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, VFCS/PEFC.
Ông Hoàng Đức Doanh - Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị, cho biết, Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ 1993. Tổ chức này ban hành bộ tiêu chuẩn FSC nhằm phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.
FSC là chứng chỉ có bộ tiêu chuẩn quốc tế. Các nước muốn được cấp chứng chỉ này phải đặt các tiêu chí của FSC. Việt Nam có bộ tiêu chuẩn bao gồm 10 nguyên tắc, 150 tiêu chí dựa trên hướng dẫn của FSC. Nếu làm đúng theo hướng dẫn, tổ chức quốc tế đánh giá đạt sẽ được cấp chứng chỉ.
Năm 2010, Quảng Trị là địa phương đầu tiên ở nước ta được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Ông Doanh nhớ lại lúc bấy giờ đi vận động người dân làm rừng có chứng chỉ rất khó vì bà contrồng rừng theo cách truyền thống chỉ 4-5 năm được thu hoạch gỗ, còn trồng rừng có chứng chỉ phải là 10-12 năm.
Các doanh nghiệp cũng không mặn mà do trên thị trường chưa có sự phân biệt giá trị giữa 2 loại gỗ có và không có chứng chỉ. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị vẫn chọn hướng phát triển rừng bền vững, vận động bà con trồng rừng có chứng chỉ.
“Năm 2008, chúng tôi mời tổ chức quốc tế về đánh giá quản lý rừng bền vững tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải. Họ đưa ra 300 trang giấy A4 về các điều kiện cần cải thiện để đạt được Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC”, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhớ lại thời điểm đầu khi quyết định làm chứng chỉ rừng.
Quá trình khắc phục kéo dài trong vòng 2 năm. Đến năm 2010, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Hội đồng quản trị rừng thế giới đánh giá lại hiện trạng. Kết quả, cơ bản đã đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức, đạt khoảng 95%. Sau đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Từ mô hình của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, trồng rừng có chứng chỉ được mở rộng triển khai ra nhiều địa phương. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ tăng dần theo mỗi năm, từ con số 8.600 ha ban đầu, nay đã đạt hơn 26 nghìn ha. Quảng Trị cũng là tỉnh tiên phong, thành mô hình điểm cho các tỉnh, thành khác đến học tập kinh nghiệm.
“Người dân giờ đã nhìn thấy được lợi ích khi trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ”, ông Hoàng Đức Doanhnói và dẫn chứng, không chỉ tăng sản lượng, gỗ rừng trồng có chứng chỉ còn bán được ra thị trường với giá cao hơn gỗ thường từ 10-20%. Các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ với sản lượng lớn.
Vài năm trở lại đây, các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng đòi hỏi cao như sản phẩm phải có tính bền vững, áp những luật mới với hàng hoá nhập khẩu như truy xuất gỗ bất hợp pháp, không gây mất và suy thoái rừng. Thế nên, khi gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC đồng nghĩa đủ điều kiện để xuất khẩu vào tất cả các thị trường.
FSC giống như “chứng chỉ xanh”. Có chứng chỉ này, sản phẩm gỗ đủ điều kiện thâm nhập vào tất cả các thị trường, còn không thì bị nhiều thị trường “cấm cửa”, ông Doanh nói thêm. Điều quan trọng hơn, khi thị trường ổn định thì đời sống của người nông dân sản xuất cũng ổn định.
Lâu nay, nghề lâm nghiệp rất vất vả, thu nhập thấp. Với rừng trồng gỗ lớn thì phải 10 năm sau mới thu hoạch. Còn rừng tự nhiên thì phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng chưa đem lại thu nhập cao cho người dân. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, định hướng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đem lại nguồn thu nhập lớn cho người làm lâm nghiệp yêu rừng, quý rừng hơn, ứng xử với rừng tốt hơn. Đặc biệt, điều tiết phát thải khí nhà kính, tạo sinh kế và động lực cho người tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng…
>> Tiềm năng lớn cung ứng tín chỉ carbon: Thành phố đông dân nhất cả nước có trị giá 790 triệu USD
Petrovietnam tăng cường các giải pháp tạo tín chỉ carbon
Tiềm năng lớn cung ứng tín chỉ carbon: Thành phố đông dân nhất cả nước có trị giá 790 triệu USD