Tiềm năng lớn cung ứng tín chỉ carbon: Thành phố đông dân nhất cả nước có trị giá 790 triệu USD

13-05-2024 15:59|Thảo Đan

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD từ tín chỉ carbon.

Tại cuộc trao đổi với chủ đề 'Tín chỉ carbon ai bán, ai mua' do Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) tổ chức ngày 11/5, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM cho biết, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, quy mô thị trường sản phẩm của TP. HCM có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD.

Trong đó, dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, chi phí đầu tư khoảng 405,1 triệu USD, thời hạn 15 năm, có thể giảm phát thải khoảng 12,3 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 206,9 triệu USD.

Dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chi phí đầu tư khoảng 280 triệu USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 3,8 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 64,5 triệu USD.

Dự án nâng cấp đèn LED (131,358 đèn), mức chi phí đầu tư khoảng 20,1 triệu USD, thời hạn 10 năm, giảm phát thải khoảng 0,5 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon khoảng 7,4 triệu USD.

Dự án, nâng cấp xe máy điện (7,9 triệu xe cá nhân, 0,2 triệu xe dịch vụ), mức chi phí khoảng 6,9 tỷ USD, thời hạn 25 năm, mức giảm khoảng 34,6 triệu tấn CO2/10 năm, giá trị tín chỉ carbon đạt hơn 579 triệu USD.

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Việt Nam vừa trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của Ngân hàng thế giới.

>> Thủ tướng yêu cầu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon: động lực phát triển và thách thức đối với doanh nghiệp Việt | Mekong ASEAN
Ảnh minh họa

Sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 5,15 triệu tấn CO2) tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn.

Theo TS Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá về kiểm kê khí nhà kính của Liên hiệp quốc, Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước, trao đổi với quốc tế.

Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ hoàn thiện đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon.

TP. HCM là địa phương đông dân nhất Việt Nam hiện nay với 9,17 triệu người, chiếm 9,3% dân số cả nước.

>> Việt Nam thu về hơn 51,5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Tỉnh có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước muốn xây thêm khu bến cảng tổng hợp 2.250 tỷ đồng

'Thủ phủ' công nghiệp miền Nam ấn định ngày 'bấm nút' khởi công 2 dự án quan trọng hơn 36.000 tỷ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tiem-nang-lon-cung-ung-tin-chi-carbon-thanh-pho-dong-dan-nhat-ca-nuoc-co-tri-gia-790-trieu-usd-234603.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tiềm năng lớn cung ứng tín chỉ carbon: Thành phố đông dân nhất cả nước có trị giá 790 triệu USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH