Quốc gia châu Á gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy từ thuế quan
Trung Quốc vẫn giữ vai trò là thị trường xuất khẩu chủ lực, đặt Hàn Quốc trước những lựa chọn khó khăn trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Dữ liệu thương mại sơ bộ tháng 4/2025 của Hàn Quốc đang phát đi cảnh báo sớm về tác động của các chính sách bảo hộ thương mại do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy, trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của ông đẩy mạnh các biện pháp áp thuế mới.
Theo số liệu do Cơ quan Hải quan Hàn Quốc công bố ngày 21/4, giá trị xuất khẩu trong 20 ngày đầu tháng 4 – sau khi điều chỉnh theo số ngày làm việc – đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tổng xuất khẩu của tháng 3 ghi nhận mức tăng 5,5%.
Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường lớn nhất của Hàn Quốc – lần lượt giảm mạnh 14,3% và 3,4%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Đài Loan lại tăng lần lượt 13,8% và 22%.

Giới quan sát đang theo dõi sát sao các số liệu này để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực tế của làn sóng áp thuế mới từ Mỹ. Trong tuần này, loạt dữ liệu kinh tế khác – bao gồm chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tại Nhật Bản, châu Âu và Mỹ – được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm góc nhìn về tác động lan rộng của cuộc chiến thương mại do Trump khởi xướng.
Sau khi tăng thuế nhập khẩu kim loại vào tháng 3, chính quyền Trump tiếp tục áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu và 10% với hầu hết các mặt hàng khác từ đầu tháng 4. Động thái này khiến triển vọng xuất khẩu của Hàn Quốc – một nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào thương mại – đối mặt với nhiều thách thức.
Theo dữ liệu 20 ngày đầu tháng 4, xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu chất bán dẫn – mặt hàng chủ lực – tăng 10,7%. Tuy nhiên, các ngành khác lại ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt: xuất khẩu thép giảm 8,7%, còn các sản phẩm dầu mỏ giảm tới 22%.
“Dữ liệu hôm nay cho thấy thuế quan của Mỹ đang làm phức tạp thêm triển vọng thương mại toàn cầu,” Min Joo Kang, chuyên gia kinh tế tại ING, nhận định. “Việc miễn thuế cho chip cao cấp giúp nhu cầu trong lĩnh vực này vẫn ổn định, nhưng các dòng chip cũ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.”
Hyosung Kwon, một nhà kinh tế khác, cảnh báo rằng ngoài tác động trực tiếp từ thuế quan, nhu cầu suy yếu tại Mỹ – thị trường tiêu thụ chính – cũng sẽ gây thiệt hại cho xuất khẩu Hàn Quốc. “Các tác động lan tỏa gián tiếp qua chuỗi cung ứng, khi đối tác thương mại của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế của chính họ, sẽ càng làm gia tăng áp lực,” ông nói.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Hàn Quốc cho biết đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Mỹ. Tuy nhiên, tiến trình này có thể gặp trở ngại do Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/6 tới. Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun và Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok dự kiến sẽ đến Washington trong tuần này để khởi động các vòng đàm phán.
Cũng theo cơ quan hải quan, với số ngày làm việc không đổi so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 5,2%, trong khi nhập khẩu giảm mạnh 11,8%, dẫn đến mức thâm hụt thương mại khoảng 100 triệu USD.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ, với thặng dư thương mại năm 2024 tăng 25% lên khoảng 55,7 tỷ USD – một trong những lý do khiến ông Trump nhắm tới quốc gia này với chính sách “thuế quan tương hỗ".

Riêng ngành ô tô, Mỹ chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu xe 70,8 tỷ USD của Hàn Quốc trong năm 2024. Ô tô và phụ tùng ô tô hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này sang thị trường Mỹ – và cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thuế quan mới.
Nếu chính quyền Trump tiến xa hơn với kế hoạch áp thuế lên chất bán dẫn nhập khẩu, ngành công nghiệp chip – trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc – có thể chịu thêm tổn thất. Với vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bất kỳ rào cản thương mại nào nhằm vào chất bán dẫn đều có thể giáng đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế quốc gia Đông Á này.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tuần trước quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,75%, đồng thời cảnh báo rủi ro suy giảm tăng trưởng đang gia tăng do tác động từ các chính sách thương mại toàn cầu.
"Động lực xuất khẩu chung đang yếu đi khi tốc độ tăng trưởng chậm lại trong tháng 4, sau khi có cải thiện nhẹ vào tháng 3," Thống đốc BOK Rhee Chang-yong cho biết trong cuộc họp báo sau quyết định chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương nhận định nền kinh tế có thể tăng trưởng âm trong quý đầu năm, do tác động kết hợp của các rào cản thương mại từ Mỹ và tình hình bất ổn chính trị trong nước. Viễn cảnh tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng khiến giới chức kinh tế phải đối mặt với thách thức kép: ổn định tài chính trong khi tìm cách bảo vệ ngành xuất khẩu chiến lược.
Hàn Quốc từ lâu đã được giới phân tích coi là "hàn thử biểu" của thương mại toàn cầu – một chỉ báo sớm và nhạy cảm về tình trạng của nền kinh tế thế giới. Lý do là vì cấu trúc kinh tế của quốc gia Đông Á này phụ thuộc sâu vào xuất khẩu, với tỷ trọng chiếm khoảng 40% GDP.
Các ngành chủ lực như chất bán dẫn, ô tô, hóa dầu và thép của Hàn Quốc có chuỗi cung ứng trải rộng khắp thế giới, từ Mỹ, Trung Quốc đến châu Âu và Đông Nam Á. Vì vậy, bất kỳ sự xáo trộn nào trong thương mại toàn cầu, đặc biệt là do chính sách thuế quan hoặc biến động địa chính trị, gần như ngay lập tức được phản ánh vào dữ liệu xuất khẩu của nước này.
Không chỉ là nền kinh tế có độ mở lớn, Hàn Quốc còn là một trong số ít quốc gia công bố dữ liệu thương mại sơ bộ sớm nhất thế giới – thường chỉ sau 20 ngày đầu tháng. Điều này khiến giới đầu tư và các tổ chức tài chính toàn cầu đặc biệt theo dõi sát các con số từ Seoul như một công cụ dự báo xu hướng cầu hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng, hay rủi ro lan tỏa từ các cú sốc chính sách. Với những tín hiệu đáng lo ngại vừa được công bố, rõ ràng “chiếc hàn thử biểu” này đang rung lên mạnh mẽ dưới sức ép từ làn sóng bảo hộ thương mại mới của Mỹ.
Tham khảo BNN, Wall Street Journal (WSJ)
>> Thuế quan của Mỹ lại đang ‘mang Trung Quốc vĩ đại trở lại'?