Quốc gia châu Âu xây dựng kính viễn vọng lớn nhất thế giới: To ngang Đấu trường La Mã, nặng tới 3.000 tấn, sắc nét gấp 16 lần kính viễn vọng của NASA

20-05-2024 11:24|Quỳnh Vân

Anh đang bắt đầu việc chế tạo kính viễn vọng quang học trên mặt đất lớn nhất thế giới mang tên Kính viễn vọng cực lớn (ELT).

Theo Interesting Engineering, Trung tâm Công nghệ Thiên văn Anh (UK ATC) sẽ bắt đầu phát triển thiết bị đầu tiên trên kính viễn vọng tiên tiến ELT.

Kính viễn vọng lớn ngang Đấu trường La Mã này dự kiến nằm ở độ cao 3000m so với mực nước biển ở sa mạc Atacama, Chile. Đài quan sát phía Nam châu Âu (ESO), cũng là cơ quan quản lý Kính viễn vọng rất lớn (VLT) trên cùng sa mạc, sẽ chỉ đạo quá trình xây dựng.

Vị trí cao cung cấp điều kiện khô ráo rất lý tưởng để tiến hành quan sát thiên văn, Interesting Engineering cho biết.

Anh đang xây kính viễn vọng lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Thiết bị đầu tiên được phê duyệt của ELT là máy chụp ảnh và quang phổ ELT hồng ngoại trung (METIS). Gần đây METIS đã vượt qua quá trình đánh giá thiết kế cuối cùng và sẵn sàng để sản xuất.

Nhóm phụ trách METIS bao gồm 10 viện nghiên cứu thiên văn học, trong đó có Trường Nghiên cứu Thiên văn học Hà Lan (NOVA) và Đại học Leiden.

Gillian Wright, Giám đốc UK ATC cho biết: “Thiết bị METIS đảm bảo kính viễn vọng có thể quan sát chính xác hơn ở ánh sáng hồng ngoại trung, góp phần thay đổi hiểu biết của chúng ta về vũ trụ”.

Các nhà thiên văn học sẽ sử dụng tia hồng ngoại trung của thiết bị để theo dõi các đĩa hình thành hành tinh chứa đầy khí gas và bụi.

Hạt bụi thường xuyên hấp thụ ánh sáng khả kiến. Vì vậy, chụp ảnh hồng ngoại trung rất cần thiết để nghiên cứu những khu vực này.

Những dữ liệu mới này có thể giúp con người hiểu hơn về sự hình thành và tiến hóa của thiên hà.

Trong số các mục tiêu khoa học khác, METIS còn nghiên cứu thêm các ngoại hành tinh lân cận, khám phá nguồn gốc hệ Mặt trời và lõi thiên hà, nơi ẩn nấp của những hố đen siêu lớn.

Đáng chú ý, thiết bị chính của kính viễn vọng có thể tìm kiếm những hành tinh có sự sống phù hợp với con người. Điều này là do một số hành tinh lạnh hơn tạo ra ánh sáng ở dải hồng ngoại trung.

Kính viễn vọng tiên tiến này có tên là Kính viễn vọng cực lớn (ELT). Ảnh: AP

ELT sẽ có hình ảnh sắc nét hơn Hubble

ELT là một trong những dự án khoa học và kỹ thuật tham vọng nhất trong lịch sử, hướng tới khám phá những nơi xa xôi nhất của vũ trụ bằng cách sử dụng ánh sáng khả kiến và hồng ngoại.

Bên cạnh đó, chiếc gương chính dài 39m của ELT có khả năng thu thập nhiều ánh sáng gấp 100 triệu lần so với mắt người.

Về cơ bản, ELT sẽ sử dụng sức mạnh của 5 tấm gương để thăm dò vũ trụ ở mức độ chi tiết chưa từng có. Trong đó, 3 chiếc gương có hình dạng cong được dùng để khám phá và chụp ảnh bầu trời từ góc rộng.

Các nhà khoa học tham gia dự án khẳng định, các tấm gương công nghệ cao cho phép ELT trên mặt đất “tạo ra hình ảnh sắc nét gấp 16 lần so với kính viễn vọng không gian Hubble của NASA”.

Với một loạt thiết bị tiên tiến, ELT sẽ tìm lời giải đáp cho những câu hỏi cơ bản về vũ trụ, chẳng hạn như sự tồn tại của các hành tinh giống Trái đất xung quanh những ngôi sao khác, dấu hiệu của sự sống bên ngoài hệ Mặt trời cũng như sự hình thành và tiến hóa của thiên hà.

Kính viễn vọng nặng 3000 tấn này theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2028.

Cập nhật thông tin mới nhất về dự án kênh đào Phù Nam Techo: Cựu Thủ tướng Campuchia hối thúc triển khai 'càng sớm càng tốt'

Kênh đào 1,7 tỷ USD Funan Techo lo ngại ảnh hưởng đến ĐBSCL: Phó Thủ tướng Campuchia nói gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-chau-au-xay-dung-kinh-vien-vong-lon-nhat-the-gioi-to-ngang-dau-truong-la-ma-nang-toi-3000-tan-sac-net-gap-16-lan-kinh-vien-vong-cua-nasa-235424-235424.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc gia châu Âu xây dựng kính viễn vọng lớn nhất thế giới: To ngang Đấu trường La Mã, nặng tới 3.000 tấn, sắc nét gấp 16 lần kính viễn vọng của NASA
    POWERED BY ONECMS & INTECH