Vĩ mô

Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong ký kết văn kiện nhân danh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

Lan Phương 01/01/2025 - 16:41

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 26/2024/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc ký kết văn kiện nhân danh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong ký kết văn kiện nhân danh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á- Ảnh 1.

Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh tổ chức này với đối tác bên ngoài ASEAN.

Văn kiện nhân danh ASEAN là văn kiện được ký kết giữa ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế liên chính phủ và đối tác bên ngoài ASEAN theo pháp luật quốc tế; không phải là điều ước quốc tế làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với Nhà nước, Chính phủ Việt Nam; không phải là thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Quy chế này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham gia hợp tác ASEAN theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc

Quyết định nêu rõ nguyên tắc xác định quan điểm của Việt Nam về việc ASEAN ký kết văn kiện nhân danh ASEAN là: Không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với Hiến chương ASEAN và các quy định của ASEAN, đặc biệt là Quy tắc về Thủ tục ký kết điều ước quốc tế của ASEAN.

Các văn kiện trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế này phải bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước, Chính phủ Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

Theo Quyết định, thủ tục đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN như sau:

Cơ quan đề xuất lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN.

Hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cho ý kiến, dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện, trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích, nội dung chính của văn kiện và đánh giá của Cơ quan đề xuất về việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Quy chế này.

b) Dự thảo văn kiện bằng tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến của Cơ quan đề xuất theo quy định.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, Cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN.

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện, trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích, nội dung chính của văn kiện và đánh giá của Cơ quan đề xuất về việc tuân thủ các nguyên tắc xác định quan điểm của Việt Nam về việc ASEAN ký kết văn kiện nhân danh ASEAN nêu trên.

b) Dự thảo văn kiện bằng tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt.

c) Giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN bằng văn bản, bao gồm các nội dung:

- Đồng ý hoặc không đồng ý với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN;

- Giao Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại ủy quyền hoặc không ủy quyền cho Tổng Thư ký ASEAN hoặc người đại diện ASEAN ký văn kiện nhân danh ASEAN.

Thủ tục đối ngoại

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế này, Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục đối ngoại cần thiết theo quy định.

Quyết định nêu rõ, khi có thông tin về việc ASEAN ký văn kiện, Cơ quan đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản và thông báo cho các cơ quan liên quan về việc ASEAN đã ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện.

>> Kinh tế 2024: Việt Nam vươn mình từ thách thức đến 'ngôi sao tăng trưởng' ASEAN

Kinh tế 2024: Việt Nam vươn mình từ thách thức đến 'ngôi sao tăng trưởng' ASEAN

Goldman Sachs: Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất, dẫn dắt kinh tế ASEAN trong năm 2025

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/quy-che-phoi-hop-giua-cac-co-quan-trong-ky-ket-van-kien-nhan-danh-hiep-hoi-cac-quoc-gia-dong-nam-a-102250101151727976.htm
Bài liên quan
  • Lĩnh vực kỳ vọng thu 100 tỷ USD/năm của Việt Nam xuất hiện thêm một đối thủ đến từ ASEAN
    Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, được dự báo là công nghệ sẽ thay đổi và định hình lại thế giới.
  • Việt Nam cùng ASEAN đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển
    Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan mới đây đã kết thúc thành công ở Thủ đô Vientiane của Lào, khép lại năm hợp tác ASEAN 2024 đáng nhớ về "Kết nối và Tự cường", bứt tốc triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Năm 2025, ASEAN sẽ thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng bốn Kế hoạch chiến lược về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối sẽ được thực hiện từ năm 2026, hứa hẹn mở ra những khát vọng mới với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và động lực phát triển số, xanh, nhanh để tiếp tục thực hiện thành công sứ mệnh vì hòa bình, an ninh, hợp tác.
  • Thủ tướng: Đưa Vân Nam và Lào Cai thành trung tâm kết nối Trung Quốc với ASEAN
    Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam lên 5 tỷ USD, đưa Vân Nam và Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN.
  • Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: Việt Nam là 'ngôi sao của ASEAN'
    Sáng 11/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị liên quan tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong ký kết văn kiện nhân danh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH